Thứ bảy, 02/11/2024, 16:20 (GMT+7)

TP.HCM mạnh tay truy quét hàng giả: Chợ Bến Thành và các sàn thương mại điện tử vào tầm ngắm

Trong tháng 10 năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết đã phát hiện và xử lý 257 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến hơn 7,1 tỷ đồng.

Hàng giả mạo bán tràn lan trên Facebook, Zalo, TikTok

Trong tháng 10/2024, riêng huyện Hóc Môn đã có gần 350 triệu đồng tiền phạt và hơn 210 triệu đồng hàng hóa bị tịch thu, gần 60 triệu đồng hàng hóa bị tiêu hủy, theo Cổng thông tin Cục Quản lý thị trường.

Các vụ việc nổi cộm bao gồm kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng trang sức không phép của hai doanh nghiệp K.H. và K.B.N. tại xã Bà Điểm và thị trấn Hóc Môn, do Đội QLTT số 18 và Công an Kinh tế huyện Hóc Môn phối hợp thực hiện. Kết quả, cơ quan chức năng đã tạm giữ 4 sản phẩm vàng trang sức trị giá hơn 100 triệu đồng và UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt 200 triệu đồng đối với hai doanh nghiệp này.

doi18-1 (1)
Cơ quan chức năng kiểm tra hộ kinh doanh vàng trang sức tại Hóc Môn - Ảnh: QLTT TPHCM.

Ngày 2/10, Đội QLTT số 18 tiếp tục kiểm tra điểm chứa trữ hàng hóa tại xã Đông Thạnh của ông T.H.M., không có giấy chứng nhận kinh doanh, phát hiện và tạm giữ 11.590 đĩa đá cắt không rõ nguồn gốc đang được chào bán trên Zalo. Đến ngày 14/10, đội phát hiện hộ kinh doanh thiết bị điện của bà N.T.K. đang rao bán qua Zalo và tạm giữ 9.300 sản phẩm không rõ xuất xứ.

Một trường hợp khác, cửa hàng mắt kính 135 tại xã Bà Điểm đã bị phát hiện bán mắt kính giả các thương hiệu nổi tiếng như PORSCHE DESIGN, MONTBLANC qua TikTok. Cửa hàng này bị phạt 35 triệu đồng do kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục QLTT TP.HCM, một trong những khó khăn trong việc quản lý vi phạm là tính ẩn danh của các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Shopee, Lazada… Người bán dễ dàng tạo nhiều tài khoản, dùng tên miền quốc tế, hoặc thay đổi tên khi bị phát hiện, khiến việc truy xuất nguồn gốc và xử lý gặp nhiều trở ngại.

Cục QLTT TP.HCM đang phối hợp chặt chẽ với Công an TP.HCM để ngăn chặn tình trạng hàng giả, gian lận thương mại trên thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ và không tiếp tay cho hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nhiều sạp hàng chợ Bến Thành, Saigon Square đóng cửa "né" đoàn kiểm tra

Mới đây, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa thực hiện đợt kiểm tra bất ngờ tại chợ Bến Thành, khu mua sắm nổi tiếng ở trung tâm TP.HCM. Đợt kiểm tra đột xuất này nằm trong kế hoạch phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm siết chặt quản lý thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Đáng chú ý, khi có tin về việc kiểm tra, toàn bộ các cửa hàng bán đồng hồ tại Saigon Square cũng đồng loạt đóng cửa, ngừng hoạt động nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Theo Kế hoạch 888/QĐ-TCQLTT, triển khai từ năm 2021 đến 2025, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã đột xuất kiểm tra sáu quầy bán đồng hồ, túi xách có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như LV, Dior, Gucci, Chanel, Rolex, Omega… tại chợ Bến Thành. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ hàng trăm sản phẩm có dấu hiệu giả nhãn hiệu để tiếp tục điều tra.

DGQ
Nhiều cửa hàng tại chợ Bến Thành, Saigon Square đóng cửa né đoàn kiểm tra.

Đây không phải lần đầu tiên các khu vực nổi cộm như chợ Bến Thành, Saigon Square trở thành trọng điểm kiểm tra của lực lượng chức năng. Năm 2022, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đã chỉ đạo một đợt kiểm tra liên tục tại Saigon Square, phát hiện lượng lớn hàng giả nhãn hiệu.

Đáng chú ý, trong đợt kiểm tra đó, nhiều cửa hàng đã cố ý đóng cửa nhằm né tránh lực lượng chức năng. Hàng trăm sản phẩm bị tịch thu có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, việc kiểm tra các điểm bán hàng hóa có dấu hiệu gian lận thương mại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh từ nay đến Tết Nguyên đán 2025 nhằm ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những địa điểm kinh doanh các mặt hàng thường xuyên bị làm giả như quần áo, phụ kiện, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm, điện tử tại các trung tâm thương mại lớn ở quận 1, TP.HCM sẽ là trọng điểm giám sát chặt chẽ.

Việc quản lý, kiểm tra thị trường nhằm loại bỏ các hành vi kinh doanh hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc là một phần trong chiến dịch xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Những hành động quyết liệt của lực lượng QLTT đang gửi đến các tiểu thương một thông điệp mạnh mẽ: Thị trường TP.HCM sẽ không còn là “điểm nóng” cho hàng hóa giả, kém chất lượng.

Cùng chuyên mục