Tổ chức Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia lần thứ nhất
Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia lần thứ nhất vừa được tổ chức thành công. Đại hội đã cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp phát triển du lịch trong tương lai.
Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Hạ tầng du lịch được Nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư.
Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào GDP của đất nước. Ngành du lịch đã đóng góp ước tính trên 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành. Ngành đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa.
Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia lần thứ nhất do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức. Đại hội là hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân Ngày Du lịch Thế giới (27/9) và chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Đại hội lần này đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển du lịch được đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030; Xác định nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên phát triển du lịch trong 5 năm 2021-2025, thực hiện hiệu quả mục tiêu, định hướng phát triển du lịch đến năm 2025.
Các bài tham luận được chia sẻ và thảo luận trong Đại hội đã mang đến góc nhìn khách quan và chân thực nhất về tầm nhìn và thách thức phát triển công nghiệp du lịch, kết nối đầu tư và thương mại du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch công nghiệp quốc gia.
Cũng tại sự kiện, Lễ ký kết phát triển hệ sinh thái du lịch quốc gia giữa các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đã được diễn ra thành công. Đây được xem là bước tiến mới trong nỗ lực đa dạng hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp du lịch nước nhà.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia Việt Nam (VINEN) cũng chia sẻ nhiều thách thức về ngành du lịch nước nhà. Theo ông Lộc, du lịch Việt Nam cần sự đổi mới toàn diện từ chính sách, cách làm du lịch, công tác xúc tiến - quảng bá.
“Chừng nào ngành du lịch của chúng ta còn chủ yếu cạnh tranh bằng giá, có nghĩa là phát triển du lịch giá rẻ với giá trị gia tăng không lớn, thì chừng đó chúng ta không thể tạo ra bước phát triển bứt phá trong ngành du lịch và ngành du lịch của chúng ta, suy cho cùng, cũng chỉ là ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, chưa phát huy được các yếu tố về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tâm linh...
Cần phải tiếp tục cập nhật các xu hướng diễn biến trên thế giới để có thể tiếp tục cải tiến, cởi mở hơn để đảm bảo năng lực cạnh tranh của chúng ta trong lĩnh vực chính sách, thể chế và thủ tục cho phát triển du lịch và giao lưu quốc tế” - Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho biết.