Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Trong điều kiện tiếp cận vốn khó khăn, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo đơn giản hóa thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo Báo Chính phủ, Công điện nêu rõ yêu cầu của Thủ tướng đối với Ngân hàng Nhà nước: "Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay".
Liên quan đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng, Thủ tướng đánh giá vẫn còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng còn thấp, đến ngày 11/10 mới đạt đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14-15%); thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán năm.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng;
Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền... nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân;
Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro;
Rà soát kỹ lại và triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Trong đó, phát huy vai trò chủ lực của các ngân hàng thương mại nhà nước và sự tham gia tích cực, sáng tạo của các ngân hàng thương mại cổ phần; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai các gói tín dụng phù hợp của các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Về phía Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ này chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục có các biện pháp thực hiện tích cực, hiệu quả tăng thu, giảm chi. Bên cạnh đó là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Chủ động đề xuất các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trong năm 2024, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời.
Người đứng đầu Chính phủ giao UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Các địa phương chủ động đề ra các giải pháp và tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 được giao.