Thứ sáu, 26/04/2024, 05:28 (GMT+7)

Thời tiết kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đặc biệt nhất trong 10 năm qua 

Trong 10 năm qua, chưa có năm nào cả 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng xảy ra nắng nóng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nắng nóng trên khắp cả nước duy trì trong nhiều ngày tới, kéo dài trong kỳ nghỉ lễ dịp 30/4-1/5. 

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay là kỳ nghỉ lễ có thời tiết đặc biệt. 10 năm qua, chưa năm nào cả 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng xảy ra nắng nóng trong giai đoạn 30/4-1/5.

Theo ông Hưởng, từ khoảng 26-30/4, Bắc Bộ sẽ xảy ra đợt nắng nóng diện rộng với mức nhiệt cao nhất ở phía Đông Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội là 37-38 độ, có nơi trên 38 độ; phía Tây Bắc Bộ cường độ mạnh hơn, từ 36-39 độ, có nơi trên 40 độ.

Đặc biệt, các tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Phú Yên sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao 37-40 độ, có nơi trên 40 độ. Riêng vùng núi phía Tây từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi mức nhiệt có nơi vượt 41 độ.

Còn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong giai đoạn từ 26-30/4 cũng xảy ra nắng nóng trên diện rộng với mức nhiệt cao 35-37 độ, có nơi trên 38 độ.

Đáng lưu ý, từ khoảng ngày 1-2/5, một khối không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống, chi phối thời tiết miền Bắc khiến mưa rào kèm dông trở lại. Lúc này, nền nhiệt có thể giảm nhẹ nhưng đi kèm với đó là nguy cơ dông, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. 

11
Trong giai đoạn 10 năm qua, chưa có năm nào cả 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng xảy ra nắng nóng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Trong khi đó, ở phía Nam, những ngày đầu tháng 5 tới, gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng giảm, nhưng khả năng xảy ra hiện tượng mưa dông, lốc sét. 

Với diễn biến nắng nóng trên, ông Hưởng lý giải, nguyên nhân là do thời tiết đang chịu tác động của hiện tượng El Nino, làm cho nền nhiệt cả nước cao hơn so với trung bình nhiều năm. Thêm vào đó, giai đoạn này đang chịu tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây nên gây ra đợt nắng nóng diện rộng trong giai đoạn nghỉ lễ.

Dự báo xa hơn, ông Hưởng nhận định, từ nay đến tháng 6 (trọng tâm là tháng 5) là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ. Do đó, các hiện tượng giông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm, đặc biệt ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh. Thời gian giông, lốc, sét nhất là mưa đá và gió giật mạnh ở Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh thường xuất hiện vào chiều, chiều tối và đêm. 

Cơ quan khí tượng lưu ý, để hạn chế tác động, người dân cần thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn thông qua các kênh truyền hình, báo chí, cổng thông tin cảnh báo trực tuyến của cơ quan khí tượng thủy văn.

Cùng chuyên mục