Thói quen ngồi vắt chéo chân dễ mắc bệnh gì?
Thói quen ngồi vắt chéo chân thường thấy ở nhiều người, tuy nhiên thói quen tưởng chừng vô hại này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ không tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Lê Bảo Lệ, khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết trên VNE rằng: “Khi ngồi bắt chéo chân, một chân đặt lên đùi chân còn lại, làm trụ hông không còn cân bằng mà phải nghiêng về một bên. Để cơ thể cân bằng trở lại, vùng cột sống phải lệch sang phía bên đối diện, lâu dần sẽ làm cột sống và lưng cổ không còn thẳng do phải chịu lực nhiều hơn bình thường.
Ngoài ra, phần lưng, cổ, hông cũng phải chịu nhiều áp lực, dễ đau nhức và mỏi hơn. Khi vắt chéo chân, vùng phía dưới cũng bị tì đè nhiều, khiến tình trạng suy giãn tĩnh mạch nặng nề hơn.
Ngồi vắt chéo chân khiến vùng hông chịu lực không đều dẫn đến các cơ vùng cột sống, hông cũng sẽ phát triển không đều. Bên chịu lực nhiều hơn sẽ to hơn, ảnh hưởng đến tư thế hình dáng, thậm chí đi lại”.
Thực tế, thói quen này thường dễ thấy ở rất nhiều người khi ngồi giao tiếp ở ghế. Thậm chí, trong các quy tắc giao tiếp xã giao, việc ngồi chéo chân và gác chân thấp được đánh giá là tư thế thanh lịch. Vì thế, phần nhiều phụ nữ chọn tư thế ngồi này mà không biết bản thân sẽ gặp vấn đề về xương khớp.
Bac sỹ Lê Bảo Lệ cũng tư vấn tư thế ngồi tốt nhất cho sức khỏe là hai chân ngồi đặt song song, lưng và cổ thẳng. Đây là tư thế làm cho lực được phân bố đồng đều xuống cổ, lưng, chậu hông. Lúc này, cơ thể cân đối, hạn chế ảnh hưởng lên các cơ, xương và cột sống. Thỉnh thoảng, chị em có thể ngồi bắt chéo, nhưng không nên biến thành thói quen.
Đối với những người phải ngồi trong thời gian dài, nên duỗi thẳng chân và đưa bàn chân về phía trước, hoặc chỉ nên bắt chéo bàn chân. Người làm công việc văn phòng ít vận động nên đứng dậy sau mỗi 60-120 phút ngồi và đi lại để hạn chế nhức mỏi.