Thứ bảy, 14/10/2023, 10:09 (GMT+7)

Tham vọng trở lại thị trường smartphone quyết liệt của Huawei

Bất chấp lệnh hạn chế của Mỹ, Huawei đang quyết liệt trở lại thị trường smartphone với mục tiêu doanh số tăng gấp 2 lần trong năm 2024.

Huawei đã và đang dự trữ linh kiện trong nhiều tháng để thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi doanh số smartphone trong năm tới bất chấp thực tế vẫn đang chịu nhiều lệnh hạn chế từ Mỹ, theo Nikkei Asia Review.

Hai nguồn tin thân cận nói với Nikkei rằng Huawei đang đặt mục tiêu bán từ 60 triệu đến 70 triệu điện thoại trong năm 2024. Huawei cũng đang nỗ lực xây dựng các kho dự trữ linh kiện ống kính, camera, bảng mạch in và nhiều linh kiện khác từ đầu năm nay để có thể đáp ứng được mục tiêu nói trên.

huawei_matex_mwc19_vsavov
Huawei từng là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới. (Ảnh: The Verge).

Cùng thời điểm, Huawei yêu cầu Qualcomm, đối tác Mỹ cung cấp chip di động 4G duy nhất của Huawei, giao số lượng đơn hàng trong cả năm trước thời điểm tháng 6 trước quan ngại Mỹ có thể áp dụng thêm một đợt hạn chế xuất khẩu mới, nguồn tin chia sẻ.

“Ông lớn” công nghệ Trung Quốc Huawei đã phải chịu các lệnh hạn chế thương mại của Mỹ từ năm 2019 song không từ bỏ tham vọng ở mảng phát triển chip. Nỗ lực này của Huawei có thể thực hiện được một phần đến từ việc các đối tác nội địa của hãng này đã có phần lớn các trang thiết bị cần thiết trước khi Mỹ và đồng minh hạn chế xuất khẩu các công nghệ như vậy.

Huawei đang hợp tác với nhà sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Co. (SMIC) để sản xuất chip 5G và các công nghệ chip tiên tiến khác tại nhà máy ở Thượng Hải.

Trung Quốc trở thành quốc gia mua các công cụ sản xuất chip lớn nhất thế giới kể từ năm 2020 và cũng đã nằm trong top 3 thị trường thiết bị chip lớn nhất thế giới từ năm 2016, theo dữ liệu từ SEMI. Xu hướng này vẫn tiếp tục ngay cả khi có những căng thẳng về mặt kinh tế, chính trị. Nhập khẩu các công cụ, thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ chạm mốc 9,24 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2023 và đạt hơn 11,4 tỷ USD trong cả năm 2022, theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc.

“Dây chuyền sản xuất với các trang thiết bị quốc tế có thể sản xuất chip cấu trúc 7 nm đã sắn sàng có thể từ năm 2018 – 2019”, một cựu nhân sự của công ty Mỹ Applied Materials nói đến cơ sở vật chất của SMIC. “Việc thiết lập trước dây chuyền sản xuất này tạo ra khoảng thời gian đệm vô cùng ý nghĩa và giảm bớt tác động của các lệnh hạn chế từ Mỹ và các lệnh kiểm soát xuất khẩu từ Hà Lan và Nhật”. Theo đó, dây chuyền đã được sản xuất và giao hàng trước khi Mỹ đưa SMIC và danh sách hạn chế, nguồn tin nói.

SMIC đã phát triển chip 14 nm và 7 nm trong nhiều năm và “không có gì ngạc nhiên khi cuối cùng thì họ cũng có một số hoạt động sản xuất nhất định”, người này chia sẻ thêm. Nanometer (nm) là thông số thể hiện khoảng cách giữa các bóng bán dẫn trên một con số. Con số nm càng nhỏ càng cho thấy mức độ tiên tiến và hiệu năng mạnh mẽ của một con chip. Ví dụ, Samsung và TSMC hiện đang sản xuất chip 3 nm và đã có thể sản xuất chip 7 nm từ năm 2018.

Lãnh đạo một công ty thiết bị sản xuất chip Trung Quốc nói rằng năng lực sản xuất chip 7 nm của SMIC có thể sẽ chạm mốc 36 triệu chip nếu chất lượng tiếp tục được cải thiện.

Kế hoạch trở lại quyết liệt của Huawei có thể sẽ vẫn vướng vào nhiều trở ngại khi Mỹ có kế hoạch mở rộng phạm vi các lệnh cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chip và chip AI vốn đã rất khắt khe. Nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ đang kêu gọi Washington thu hồi các quyền miễn trừ và giấy phép cấp cho Huawei và các nhà sản xuất chip Trung Quốc như SMIC.

“Huawei đang đặt mục tiêu cao cho 2 năm tới, và chúng tôi kỳ vọng họ sẽ thăng hoa với sự ủng hộ từ thị trường địa phương dành cho các công ty nội địa”, Bryan Ma, phó chủ tịch mảng nghiên cứu thiết bị tại IDC, nhận định. Ông Ma cho rằng Huawei có thể sẽ lấy được một số thị phần từ tay Apple ở phân khúc điện thoại cao cấp Trung Quốc. Dù vậy, những căng thẳng chính trị - kinh tế có thể cản bước kế hoạch này nếu như Huawei không có đủ số lượng linh kiện cần thiết, ông Ma nói thêm.

Mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei đã lao dốc mạnh kể từ khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Doanh số bán ra giảm từ đỉnh cao 240,6 triệu máy vào năm 2019 xuống chỉ còn 30,5 triệu máy vào năm 2022, theo công ty nghiên cứu IDC.

Đáp lại lệnh cấm, Huawei đầu tư mạnh vào mảng sản xuất chip thay vì chỉ sản xuất với sự giúp sức của chính phủ địa phương và nhiều công ty chip mới nổi như PengXinWei và Shenzhen Pensun Technology (PST).

Hồi cuối tháng 8, Huawei âm thầm ra mắt chiếc Mate 60 Pro ở Trung Quốc. Giới review công nghệ nói rằng đây là chiếc điện thoại thông minh 5G đầu tiên của Huawei kể từ sau lệnh cấm của mình.

Về phần mình, Huawei từ chối chia sẻ về các thông tin nói trên. Giám đốc tài chính của Qualcomm nói vào hồi tháng 8 rằng Qualcomm không có dòng doanh thu từ Huawei trong quý 3 và quý 4 năm nay. Bên cạnh đó, Qualcomm có giấy phép kinh doanh 4G với Huawei.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục