Tận diệt giun đất: Hành động cần lên án và ngăn chặn
Giun đất được ví như một lưỡi cày sinh học của người nông dân nhờ khả năng làm tơi xốp, giàu dinh dưỡng cho đất. Việc tận diệt giun đất là việc làm cần ngăn chặn và lên án.
Tận diệt giun đất bằng máy kích điện bán cho thương lái Trung Quốc đang là một trong những vấn đề xã hội được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Tại nhiều tỉnh thành như Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai… ngoài hoạt động kích điện, thu mua giun đất, nhiều thương lái còn đầu tư xây dựng cả lò sấy nhằm bán giun đất khô với giá cao.
Việc tận diện giun đất đã xuất hiện từ nhiều năm nay và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc môi trường đất bị suy thoái, ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp. Dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn tái diễn và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo thông tin từ các chủ vườn cam ở Cao Phong (Hòa Bình), những đối tượng kích giun thường hoạt động khoảng thời gian từ 8 – 9h tối lúc người trông vườn đang ăn cơm hoặc vào lúc 2 – 4h sáng khi chủ đã ngủ say. Đặc biệt sau những ngày mưa, đất trở nên ẩm ướt cũng là lúc giun đất bò lên nhiều, các đối tượng kích giun cũng hoạt động mạnh hơn.
Theo tìm hiểu, giun đất có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền nông nghiệp. Loại vật này được ví như một lưỡi cày sinh học của nhà nông, giúp cho đất tơi xốp và là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng có trong đất. Đồng thời tạo điều kiện để sinh ra các chất hữu có có lợi, giúp cây trồng phát triển.

Khi giun bị đánh bắt bằng máy kích điện, sẽ không chỉ giun mà các sinh vật khác trong đất cũng chịu tổn thương. Đây là hành vi khai thác hủy diệt nguồn tài nguyên sinh vật trong đất, vi phạm nghiêm trọng theo quy định theo Khoản 2, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Chia sẻ trên báo Nông nghiệp, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết việc phóng dòng điện lớn xuống đất sẽ gây nguy hiểm, trước tiên cho người kích giun hoặc người vô tình vào khu vực đang kích giun. Chưa có đánh giá nào về hoạt động này ảnh hưởng tới đất đai, tác động tới môi trường đất, hệ sinh vật trong đất cũng như ảnh hưởng đến cây trồng, bộ rễ. Tuy nhiên hành vi này để lại hậu quả khiến giun chết, cây vàng lá, chậm phát triển, gây tác hại cho đất và hệ động vật, vi sinh vật đất cũng như các loại cây trồng. “Đây là một hành động cần lên án và ngăn chặn”, ông Cường nói.

Trước nạn kích giun như hiện nay, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, đầu tiên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những người tham gia kích điện bắt giun đất, các cơ sở, cá nhân thu mua, sơ chế, buôn bán giun đất. Người dân cần tích cực phát giác, khi phát hiện hoạt động kích điện giun đất cần thông báo cho lực lượng chức năng. Xử lý hành chính với các cá nhân trực tiếp kích điện giun, bên cạnh đó xử lý các hộ gia đình, cơ sở thu gom, sấy giun.
Hiện nay, Luật Đất đai 2013 đang được sửa đổi bổ sung, vì vậy cần nhanh chóng hoàn chỉnh, bổ sung các hành vi hủy hoại đất trong các văn bản pháp luật về đất đai, môi trường.
Đối với giun đất, nếu thị trường có nhu cầu thì nên thực hiện các chương trình, dự án chăn nuôi quy mô lớn để cung cấp. Việc nhân nuôi này rất có thể là một hướng phát triển, khai thác đa giá trị của đất đai.