Giữa lúc nạn 'giun tặc' lộng hành, máy kích điện vẫn được quảng cáo, rao bán nhộn nhịp
Trên các trang website, mạng xã hội Facebook, sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada… máy kích điện đánh bắt giun đất được quảng cáo, rao bán công khai và nhộn nhịp với nhiều giá thành khác nhau.
Mua máy kích điện dễ như trở bàn tay
Như đã thông tin ở bài viết trước đó, hiện nay tại rất nhiều tỉnh thành phía Bắc xuất hiện tình trạng đánh bắt giun bằng máy kích điện. Giun đất sau khi đánh bắt sẽ được thương lái thu mua với giá khoảng 30.000 đồng/kg tươi và 600.000 đồng/kg đã phơi khô. Mặc dù lực lượng chức năng và người dân đã ra sức ngăn chặn, bắt quả tang nhiều vụ đánh bắt giun bằng máy kích điện, nhưng nạn “giun tặc” vẫn tái diễn, đồng thời trở thành vấn đề nhức nhối đối với ngành nông nghiệp.
Các đối tượng đánh bắt giun sẽ dúng mày kích điện có 2 que nhọn nối với bộ ắc quy điện và cắm xuống đất. Sau khoảng 1 phút, các loại giun sẽ tự động bò lên mặt đất. Việc tận diệt giun bán cho thương lái như hiện nay đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đất nông nghiệp, làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng…
Mặc dù là vấn đề nhức nhối, được báo đài và các phương tiện truyền thông đưa tin, nhưng hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều chủng loại máy kích giun với công suất và giá thành khác nhau. Tất cả đều được quảng cáo, rao bán công khai trên các trang website, mạng xã hội Facebook, sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada… Do đó, để tìm mua loại máy này thực sự rất đơn giản.
Trên trang website có tên hàng chuẩn giá tốt đăng bán khá nhiều sản phẩm máy kích giun đất. Loại rẻ nhất có giá 1.040.000 đồng với 4 tụ 300US/1.000V, điện phóng ra cực đại 2.000V, linh kiện được nhập khẩu và lắp ráp tại Việt Nam. Loại đắt nhất khoảng 2.800.000 với 4 cọc cắm xuống đất, điện phóng ra cực đại lên tới 8.000V cũng được lắp ráp tại Việt Nam.
Theo thông tin quảng cáo của người bán thì dù giá thấp hay cao, mặt hàng này cũng siêu bền, đánh được mọi loại giun trùng đất, thích hợp dùng để kích lấy giun bán. Loại kích điện này có đầu chờ nối dễ dàng ra 4 tay cầm cắm xuống đất, có quạt tản nhiệt giúp máy kích luôn mát khi hoạt động. Những máy này thường nặng khoảng 3kg, cao 15cm được làm bằng hợp kim nhôm, vỏ nhựa hoàn toàn cách điện và được quảng cáo là an toàn tuyệt đối khi sử dụng. Nhưng người bán vẫn lưu ý người dùng phải đeo ủng, găng tay cao su để đảm bảo an toàn khi đánh kích.
Với mặt hàng này, người bán cam kết đổi mới trong vòng 3 tháng trong điều kiện lỗi từ phía nhà sản xuất, hỗ trợ sửa chữa lâu dài và hoàn tiền 100% trong tuần đầu nếu khách hàng mua về không hài lòng sản phẩm. Ở nội thành Hà Nội chỉ cần nhắc máy lên và đặt hàng sẽ có trong 15 – 20 phút.
Có cầu ắt có cung
Trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ “máy kích giun” sẽ nhận về rất nhiều kết quả về loại máy này. Giá bán dao động từ 800.000 – 3.200.000 đồng/chiếc tùy thuộc vào công suất, nguồn gốc xuất xứ. Đa phần loại máy này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, số ít được lắp ráp tại Việt Nam.
Trên Shopee, chủ một gian hàng bán máy kích giun quảng cáo loại máy này có thể đánh bắt từ 20 – 80kg giun mỗi ngày (tùy thuộc vào khu vực), máy có công suất lớn, tộc độ giun lên nhanh, đảm bảo đánh được cả đất khô và đất ẩm. Loại máy này gọn nhẹ có thể bỏ vào cốp xe máy, tiếng kêu nhỏ, không gây ồn ào. Máy không làm giun bị chết, những con không bắt vẫn có thể chui xuống đất sinh sống bình thường nên không có tác hại đối với môi trường.
Còn trên mạng xã hội Facebook, không khó để đặt mua một chiếc máy kích giun. Chỉ cần tham gia vào hội nhóm có tên “Giun đất tươi – khô Việt Nam”, “Hội mua – bán giun đất. Bán máy giun đất” hoặc “Giun đất tươi – khô. Việt Trung” sẽ có rất nhiều tài khoản cá nhân đăng bán máy kích giun hoặc thu mua giun đất giá cao.
Những hội nhóm này hoạt động công khai và khá nhộn nhịp với thành viên tham gia lên tới gần 20.000 người. Trung bình mỗi ngày những hội nhóm này có từ 15 – 20 bài đăng mới liên quan tới các chủ đề về mua - bán máy kích và giun đất. Hầu hết những bài viết đều nhận được sự quan tâm, tương tác lớn của "dân trong nghề" từ các tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Hải Dương, Hòa Bình, Lạng Sơn, Đắk Lắk. Thậm chí tại đây, người ta còn chia sẻ kinh nghiệm chọn mua máy kích, cách sử dụng, cách phân biệt đất ít hay nhiều giun.
Không biết thương lái Trung Quốc thu mua giun đất về để chữa bệnh, làm phân bón hay với mục đích gì, nhưng tình trạng này rất giống với nhiều năm trước khi họ sang nước ta thu gom đỉa, rễ hồi, móng trâu… rồi bất ngờ lặn mất tăm hơi. Dẫu đã được cảnh báo và nhắc nhờ rất nhiều nhưng vì hám lợi, nhiều người vẫn tiếp tục mua, bán, thanh lý, sử dụng máy kích để tận diệt giun đất, hủy hoại hoa màu, tàn phá nền nông nghiệp nước nhà.