Thứ hai, 29/05/2023, 09:35 (GMT+7)

Tại sao mọi người thân bên ngoại hơn?

Ở hầu hết các nền văn hóa, con người có xu hướng thân với bên ngoại nhiều hơn bên nội, lý do nằm ở "lợi thế mẫu hệ".

Sonia Salari, một nhà xã hội học tại Đại học Utah, Mỹ, thường xuyên giảng dạy một khóa học về nghiên cứu gia đình. Và khi hỏi sinh viên cùng một câu "Ai ở đây thân với bà ngoại nhất?", rất nhiều cánh tay giơ lên. Tiếp theo, cô lần lượt hỏi ai thân với ông ngoại, bà nội, ông nội, số lượng cánh tay giơ lên giảm dần.

"Nó luôn luôn giống nhau", cô nói. Cuộc khảo sát của Salari cho thấy "lợi thế mẫu hệ". Rằng mọi người có xu hướng đánh giá mối quan hệ với bên ngoại tốt hơn bên nội.

nh 1
Ảnh: Atlantic

Trong một nghiên cứu "Ưu thế mẫu hệ trong quan hệ ông bà cháu" của nhà khoa học Christopher G. Chan, trẻ em cho biết có mối liên kết chặt chẽ hơn với bên ngoại. Nghiên cứu cũng phát hiện ông bà có xu hướng gắn bó với con của con gái hơn con trai. Lại có nghiên cứu giả định "sẽ cứu người anh em nào đang mắc kẹt trong một tòa nhà đang cháy", người tham gia trả lời sẽ cố gắng cứu con của cậu dì, rồi mới đến con của cô chú bên nội.

Mặc dù lợi thế mẫu hệ không áp dụng cho mọi nền văn hóa và mọi người, nhưng nó đã được ghi nhận rõ ràng, đặc biệt là ở Mỹ. Vậy tại sao lại như vậy?

Một yếu tố quan trọng là phụ nữ làm tốt vai trò gắn kết với gia đình hơn đàn ông, từ việc hỏi thăm, chúc mừng sinh nhật, tổ chức các sự kiện gặp gỡ. Kathrin Boerner, bác sĩ lão khoa nghiên cứu về chăm sóc gia đình tại Đại học Massachusetts Boston, Mỹ, nói việc giữ gìn mối quan hệ họ hàng không chỉ là tổ chức các bữa tiệc gặp gỡ.

Một nghiên cứu năm 2017 "Tình yêu cần được trao đổi" của các nhà khoa học Đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ kêu gọi những người đóng vai trò cầu nối gia đình tham gia, kết quả cho thấy 91% người tham gia là phụ nữ. Một nghiên cứu khác của Đại học bang New York năm 2010 đã xem xét các gia đình ba thế hệ và phát hiện các bà mẹ chịu trách nhiệm phần lớn trong việc chăm sóc và giao tiếp. Tiếp theo không phải là các ông bố mà là các bà ngoại.

Phụ nữ có nhiều khả năng duy trì kết nối đại gia đình, họ cũng là trung tâm của mạng lưới này. Song, "lợi thế mẫu hệ" không chỉ có vậy. Phụ nữ vốn làm phần lớn việc chăm sóc con cái, nhà cửa, ngay cả khi kiếm được nhiều tiền hơn chồng. Họ cũng có nhiều khả năng nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn từ phía bên ngoại. Sau cùng, các mối quan hệ giữa đứa trẻ và nhà ngoại sẽ chặt chẽ hơn từ bé đến tuổi trưởng thành.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy "lợi thế mẫu hệ" yếu ở châu Âu hơn, nơi vai trò khuôn mẫu giới tính không thể hiện rõ ràng. Nhưng ở nhiều quốc gia, ngay cả khi sự bình đẳng ở nơi làm việc đã được nâng cao, sự bình đẳng ở nhà vẫn thấp hơn đáng kể. Và như vậy xu hướng thân thiết với nhà ngoại là điều dễ xảy ra.

Thiếu đi sợi dây ràng buộc chặt chẽ có thể là mất mát với người cha và gia đình nội. Thống kê tại Mỹ trung bình một tháng năm 2015 có 300.000 phụ nữ nghỉ thai sản so với 22.000 nam giới. Rõ ràng những người cha nghỉ phép sẽ gắn bó hơn với con trong suốt những năm đầu đời. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho các ông bố và con cái mà còn củng cố mối quan hệ của trẻ em với gia đình bên nội.

Không có lý do gì chúng ta không cho các ông bố cơ hội để bắt đầu phản ứng dây chuyền đó. "Khi đàn ông giữ vai trò chăm sóc, không có bằng chứng nào cho thấy họ làm không tốt công việc. Và nếu bị kéo vào cuộc, họ có thể mang theo những người còn lại trong gia đình mình", Salari nói.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục