Thứ sáu, 02/02/2024, 10:46 (GMT+7)

Sương mù dày đặc Hà Nội, người dân lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe?

Hiện tượng sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí. Người dân hít phải nó dễ khiến cơ thể mắc các bệnh nguy hiểm về hô hấp, xương, khớp...

Chỉ số ô nhiễm không khí ở mức rất có hại

Sáng ngày 2/2, thời tiết Hà Nội xuất hiện sương mù dày đặc, độ ẩm cao khiến người dân rất khó khăn khi tham gia giao thông do bị hạn chế tầm nhìn. Ứng dụng PAM Air cho thấy, chất lượng không khí nhiều khu vực của Thủ đô Hà Nội ở mức rất có hại cho sức khỏe. Một số điểm đo tại: chùa Láng (quận Đống Đa) chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 265; Trung tâm Sao Mai (quận Thanh Xuân) mức 264; Đội Cấn (quận Ba Đình) mức 263; thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) mức 247; Quan Hoa (Cầu Giấy) mức 237; Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) mức 235…

suong mu
Nhiều tuyến phố Hà Nội chìm trong lớp sương mù dày đặc

Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa Đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít. Vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên. Đây là hiện tượng phân tầng ổn định, làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên.

Sương mù là một trong số hơn 20 loại hình thiên tai thường gặp ở Việt Nam. Thông thường, sương mù màu trắng, nhưng ở một số khu vực có thể có màu vàng đục hay xám. Sương mù thường xuất hiện vào buổi sáng sớm khi mặt trời chưa lên hay buổi chiều muộn của mùa Đông. Hiện tượng sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí.

Người dân cần lưu ý gì trong thời tiết sương mù dày đặc?

Uống đủ nước

Uống đủ nước, tránh việc mất nước, khô da và nứt nẻ môi. Làn da khỏe mạnh ngăn ngừa các chất ô nhiễm không khí xâm nhập và gây hại cho cơ thể.

Giữ không khí sạch trong nhà

Ô nhiễm không khí ngoài trời nghiêm trọng hơn nhiều khi sương mù xuất hiện. Sử dụng máy hút bụi, máy lọc không khí để cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Nên tránh chiên rán khi nấu ăn vì dễ gây ra nhiều khói, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí.

suong mu
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm

Những người nhạy cảm, mắc bệnh mạn tính về tim, phổi nên tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn.

Đeo khẩu trang đúng cách khi ra ngoài

Khẩu trang có thể giúp bảo vệ người dùng khỏi bụi độc hại, khói, khí carbon monoxide và các hạt khác. Khẩu trang N95 lọc ít nhất 95% các hạt có đường kính khoảng 0,3µm nên việc sử dụng khẩu trang N95 đã được khuyến nghị trong thời tiết sương mù.

Vệ sinh mũi họng

Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Di chuyển trong sương mù

Sương mù có thể làm giảm ánh sáng mặt trời và ảnh hưởng đến nội tiết tố serotonin, gây ra cảm giác buồn chán, thiếu năng lượng và trầm cảm. Do đó, nên tận dụng ánh sáng tự nhiên khi có thể, hoặc sử dụng đèn giả lập ánh sáng ban ngày.

Nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Khi lái xe trong sương mù hãy giảm tốc độ, bật đèn pha và còi xe, tránh vượt xe và giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác. Khi đi bộ trong sương mù hãy mặc quần áo sáng màu hoặc có phản quang, để dễ dàng nhận biết và tránh bị va chạm.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Cùng chuyên mục