Thứ sáu, 29/12/2023, 14:31 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài đến bao giờ?

Những ngày gần đây, Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi chất lượng không khí AQI phổ biến ở ngưỡng rất xấu và nguy hại. Vậy tình trạng này kéo dài đến khi nào?

Vì sao mùa đông là mùa ô nhiễm không khí?

Đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất ở Hà Nội đã diễn ra hơn một tuần qua với xu thế ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đến sáng 29/12, nhiều khu vực vẫn nằm trong ngưỡng ô nhiễm không khí ở mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Một số điểm có chỉ số ô nhiễm không khí AIQ cao ở Hà Nội sáng nay có thể kể đến là Chùa Láng (Đống Đa) có AQI là 315, phố Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm) là 323, khu Trâu Quỳ (Gia Lâm) có mức AQI cao nhất gần vượt khung là 443...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày 29/12, miền Bắc tiếp tục nắng ấm. Hiện tượng sương mù vẫn tiếp diễn vào sáng sớm, độ ẩm tăng khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng.

Chỉ số AQI trong những giờ tới tiếp tục ở ngưỡng cao, có nơi trên 200 đơn vị, ngưỡng rất có hại cho cơ thể con người. Dự báo trạng thái này có thể kéo dài từ nay đến khoảng ngày 2/1/2024. Đến ngày 3-4/1/2024, một đợt không khí lạnh yếu có thể tác động gây giảm nhiệt nhẹ cho khu vực thì chất lượng không khí mới có khả năng được cải thiện.

o-nhiem-khong-khi-16076974041612002298634-crop-1607697409260310384690
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc còn kéo dài.

Theo các chuyên gia môi trường, thời tiết Hà Nội những ngày gần đây trời quang mây, không có gió, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là điều kiện thuận lợi để ô nhiễm không khí gia tăng.

Lý giải điều này, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít, vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên. Đây là hiện tượng phân tầng ổn định, nó làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Tất cả các nguồn thải từ ô tô, xe máy và các nguồn ô nhiễm khác bị lưu giữ ở gần mặt đất.

Vào mùa hè, mưa nhiều gió mạnh giúp bụi mịn được phát tán hoặc rửa trôi. Còn mùa đông lặng gió, ít mưa kèm với những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi. Đặc biệt, những ngày xảy ra nghịch nhiệt, sương mù xuất hiện thì không khí ô nhiễm nặng do khói bụi không phát tán được.

Nếu phân bố nhiệt độ theo quy luật thông thường thì không khí ở mặt đất dễ dàng bốc lên cao mang theo các chất ô nhiễm, phân tử khí. Cùng một lượng chất ô nhiễm sẽ được trải đều trên một lớp không khí dày thì nồng độ ô nhiễm giảm đi. Thế nhưng khi xảy ra nghịch nhiệt, lượng chất ô nhiễm đó bị nén lại làm nồng độ ô nhiễm đậm đặc hơn.

Bảo vệ sức khỏe thế nào trong môi trường không khí bị ô nhiễm?

Những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

20191002_085756_652687_phong-tranh-bui-min.max-800x800
Các chuyên gia khuyên người dân nên sử dụng khẩu trang chống bụi mịn

Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Cùng chuyên mục