Sở Du lịch TP HCM lên tiếng về 'sở hữu kỳ nghỉ' sau phản ánh của Tạp chí Tiếp thị và Gia đình
Sở Du lịch TP HCM khuyến cáo người dân các vấn đề cần lưu ý khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng có tên gọi "sở hữu kỳ nghỉ".
Sau khi Tạp chí Tiếp thị và Gia đình đăng tải bài viết "Tư vấn một đằng, hợp đồng quy định một nẻo, khách hàng ngậm đắng nuốt cay với kỳ nghỉ của Holidays Việt Nam" vào 27/11/2024, ông Nguyễn Minh Trí, Chánh Văn phòng Sở Du lịch TP HCM đã có thông tin phản hồi với Tạp chí Tiếp thị và Gia đình về những nội dung liên quan đến sở hữu kỳ nghỉ.
Theo đó, ông Minh Trí cho biết, Sở Du lịch TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Trí, năm 2023, Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản về tuyên truyền việc tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ", nội dung triển khai khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương.
Cụ thể, trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện, cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.
Đồng thời, trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt ở những vấn đề như xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài.
So sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt, khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng, thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung, văn bản của Sở Du lịch nêu rõ.
Ví dụ: mô tả dịch vụ được cung cấp, các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, của doanh nghiệp; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm…;
Xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như: phí duy trì/phí thường niên/phí quản lý/phí vận hành/phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng... Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng (không có trong thông tin quảng cáo, chào bán) và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.
Các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng, ví dụ như: thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao nhiêu lâu, có đi kèm điều kiện gì không.
Các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, ví dụ như: hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm ví dụ như không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án/khách sạn) hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án/khách sạn).
Trước đó, ông Nguyễn Minh Lý, Chánh thanh tra Sở Du lịch TP HCM cho biết, các công ty bán tour kỳ nghỉ mà không có giấy phép thì Sở Du lịch TP HCM sẽ xử lý. Còn nếu doanh nghiệp không có chức năng du lịch không bán tour mà bán thẻ hội viên thì không thuộc thẩm quyền của Sở Du lịch.
Ông Lý cho biết Sở Du lịch không có chức năng cấp phép tổ chức hội thảo của Công ty Holidays Việt Nam có địa chỉ đăng ký tại TP HCM. Tuy nhiên, Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra tương đối kỹ vấn đề này.
Vừa qua, một số cá nhân tổ chức sự kiện quảng bá dẫn đến tranh chấp hợp đồng dân sự, Sở đã hướng dẫn đến tòa án và cơ quan chức năng giải quyết. Chánh thanh tra Sở Du lịch cũng cho biết thêm, đơn vị đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty Holidays Việt Nam.
Liên tục bị tố lừa đảo, Holidays Việt Nam vẫn được vinh danh "Sản phẩm - Dịch vụ chất lượng cao vì người tiêu dùng"
Bất chấp những bài viết cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo của việc bán sở hữu kỳ nghỉ cho người dân, Công ty TNHH Holidays Việt Nam vẫn đạt hai giải thưởng tại Diễn đàn Phát triển Thương hiệu bền vững - Thương hiệu tín nhiệm Quốc Gia vào ngày 11/5/2024.
Theo đó, Holidays Việt Nam được công nhận Top 10 Thương hiệu phát triển bền vững quốc gia và là Sản phẩm - Dịch vụ chất lượng cao vì người tiêu dùng năm 2024.
Diễn đàn Phát triển Thương hiệu bền vững - Thương hiệu tín nhiệm Quốc gia năm 2024 do Trung tâm Tư vấn - Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững phối hợp Viện Khoa học Phát triển nhân lực và Hợp tác quốc tế tổ chức.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận hơn 700 đơn thư phản ánh về sở hữu kỳ nghỉ
Thực tế tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi liên quan đến các giao dịch trong lĩnh vực sở hữu kì nghỉ.
Tính đến hết tháng 10/2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp nhận tổng cộng 1.557 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng. Trong đó, có hơn 700 đơn, thư có nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực sở hữu kỳ nghỉ, chiếm gần 50% tổng số đơn, thư của người tiêu dùng.
Nội dung chủ yếu được người tiêu dùng phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực sở hữu kỳ nghỉ như: Khách hàng không được cung cấp đầy đủ thông tin hoặc được cung cấp thông tin không chính xác; khách hàng phải đặt cọc một khoản tiền lớn ngay tại sự kiện, không được cung cấp hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để đọc và nghiên cứu; hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có thời hạn dài, khoảng vài chục năm, trong đó, chỉ bên cung cấp dịch vụ được quyền chấm dứt hợp đồng, chủ sở hữu kỳ nghỉ không có quyền chấm dứt hợp đồng và không được hoàn trả lại tiền trong bất kỳ trường hợp nào; hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có các điều khoản bất lợi, gây thiệt hại cho khách hàng.
Bên cạnh đó, các loại phí liên quan đến quyền nghỉ dưỡng như phí thường niên, phí trao đổi, phí chuyển nhượng…. tăng cao bất hợp lý, gây thiệt hại cho khách hàng; phân biệt đối xử giữa khách hàng vãng lai và các khách hàng chủ sở hữu kỳ nghỉ; khách hàng không thực hiện được quyền nghỉ dưỡng của mình hoặc quyền trao đổi kỳ nghỉ tại các địa điểm nghỉ dưỡng khác bởi các điều kiện, điều khoản mang tính hạn chế của doanh nghiệp.