Sáng mãi nét đẹp văn hóa chào hỏi của học sinh trường tiểu học Dịch Vọng A
Từ ngàn đời nay, lời chào hỏi đã trở thành văn hóa ứng xử giao tiếp rất đẹp, giàu tính nhân văn của dân tộc Việt Nam. Lời chào luôn là những món quà giản dị nhưng thể hiện sự gần gũi giữa con người với con người.
Nhận thức được điều đó, nhiều năm nay, dưới mái trường Tiểu học Dịch Vọng A, việc giáo dục, rèn luyện văn hoá chào hỏi cho học sinh đã trở thành một nội dung quan trọng trong hành trình bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ mầm non của đất nước. Những bài học đầu tiên của các con học sinh khi đến trường là những bài học về lễ giáo, đơn giản nhất là việc thực hiện lời chào hỏi những người xung quanh.
Các thầy cô giáo luôn tích cực lồng ghép văn hoá chào hỏi vào trong mỗi bài học, trong các hoạt động ngoại khóa để giáo dục học sinh hình thành thói quen hàng ngày. Đồng thời, mỗi thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên trong nhà trường cũng là một tấm gương để học sinh noi theo. Mỗi ngày đến trường, ngay từ lúc bước chân vào cổng, các con đã nhận được nụ cười chào đón tươi vui từ các bác bảo vệ, rồi đến những cái vẫy tay thân thiện cùng ánh mắt trìu mến của các thầy cô nơi cửa lớp. Những cử chỉ nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn để các em học tập và noi theo, góp phần xây dựng và hình thành nề nếp chào hỏi hàng ngày.
Ngày 19/2/2024 vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chỉ thị nêu rõ “Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ Thủ đô, hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới…”
Với mong muốn xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, giúp các em học sinh hình thành và phát triển nhân cách, điều chỉnh cách ứng xử của học sinh trong nhà trường theo chuẩn mực đạo đức, thuần phong mĩ tục của dân tộc, phù hợp với các đặc trưng văn hóa thủ đô, giữ gìn nếp sống văn minh, thanh lịch của học sinh Hà Nội, sáng ngày 11 tháng 3 năm 2024, trường Tiểu học Dịch Vọng A hân hoan tổ chức buổi Sinh hoạt chuyên đề “Giáo dục văn hóa chào hỏi cho học sinh” trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần.
Buổi sinh hoạt chuyên đề có sự tham gia của cô giáo Ngô Thị Bích Thủy – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, các cô giáo trong Ban Giám hiệu cùng đông đủ của các thầy cô và các bạn học sinh toàn trường. Với nhiều hoạt động hấp dẫn, sinh động mà rất gần gũi với các bạn nhỏ, đây thực sự là một buổi sinh hoạt dưới cờ rất ý nghĩa và hiệu quả. Mở đầu, các em học sinh được theo dõi câu chuyện “Lưỡi hái tử thần”, qua đó các em càng thêm hiểu về tác dụng và sự cần thiết của lời chào. Còn ở vở kịch “Em đến nơi nào lời chào theo em”, các thầy cô muốn nhắn nhủ các em rằng trong cuộc sống hàng ngày, lời chào hiện diện muôn nơi, cách chào hỏi dành cho mỗi đối tượng, mỗi mối quan hệ cũng được lưu tâm. Dù ở bất kỳ không gian nào: nhà trường, xã hội hay gia đình, học sinh văn minh, lịch sự sẽ luôn biết nói lời chào đúng nơi, đúng chỗ và đúng cách. Những kiến thức này tiếp tục được củng cố sâu hơn ở phần giao lưu với những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu. Chắc chắn sau chương trình, các em học sinh sẽ tự giác và tích cực chào hỏi hơn vì đã hiểu thêm về sự cần thiết, cách chào và tác dụng của lời chào trong cuộc sống. Buổi sinh hoạt chuyên đề kết thúc bằng các tiết mục văn nghệ độc đáo của các em học sinh: màn nhảy Chim vành khuyên sôi động, bài hát tập thể Lời chào của em vui tươi. Câu hát kết thúc phần văn nghệ “Lời chào của em là cơn gió mát, nên dẫu đi đâu, em cũng mang theo” như một lời hứa của các em về việc thực hiện văn hóa chào hỏi hàng ngày, là hành trang theo em đi khắp muôn nơi.
Chào hỏi lễ phép là một nét đẹp văn hóa. Việc giáo dục học sinh thực hiện tốt văn hóa chào hỏi không chỉ gieo thói quen tốt cho các em, mà còn giúp các em hòa nhập tốt và được mọi người xung quanh yêu mến hơn. Thông qua chuyên đề “Giáo dục văn hóa chào hỏi cho học sinh”, trường Tiểu học Dịch Vọng A hi vọng các em học sinh sẽ thực hành thói quen chào hỏi hằng ngày, duy trì được nét đẹp ấy để xứng đáng là những học sinh Thủ đô thanh lịch, văn minh.