Sai phạm bán bảo hiểm qua ngân hàng: Prudential, MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo kết quả thanh tra, Prudential, MB Ageas Life, Sun Life và BIDV Metlife có nhiều sai phạm trong việc bán bảo hiểm qua ngân hàng. Nhiều người quan tâm rằng 4 doanh nghiệp bảo hiểm này sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trước đó, ngày 30/6, Tạp chí Tiếp thị & Gia đình đã thông tin về việc Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm: Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, Công Ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas, Công Ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV Metlife (Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife).
Cụ thể, kết quả thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Công bố của Bộ Tài chính nêu rõ 4 doanh nghiệp bảo hiểm có một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Bộ Tài chính cho biết, đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.
Tuy nhiên, thời gian qua, Tạp chí Tiếp thị & Gia đình liên tục nhận được câu hỏi của bạn đọc về mức xử phạt 4 doanh nghiệp bảo hiểm đối với những hành vi sai phạm nói trên. Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật Kết nối, cho biết: Các hành vi, không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp, Ngân hàng không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2, Điều 17, Nghị định 98/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 7, Điều 1, Nghị định 48/2018/NĐ-CP.
Theo đó, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây có thể bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng, cụ thể: Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Hoặc bị xử phạt theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 23, Nghị định 98/2013/NĐ-CP với hành vi phạm các quy định về môi giới bảo hiểm, tư vấn, giới thiệu cho bên mua bảo hiểm quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm bắt buộc không đúng quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Căn cứ Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, tài liệu giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, tài liệu minh họa bán hàng chứa đựng những thông tin về quyền lợi bảo hiểm trái với quy tắc, điều khoản bảo hiểm, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.
Còn đối với trường hợp không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã đăng ký với Bộ Tài chính; Không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn về sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm có thể bị phạt tiền từ 60 đến 70 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3, Điều 18, Nghị định 98/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 8, Điều 1, Nghị định 48/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, các cá nhân là nhân viên bảo hiểm, nhân viên ngân hàng,…tham gia tư vấn bảo hiểm cho khách hàng không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm... có thể bị truy cứu trách nhiệm tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi gây ra. Tất cả mức xử phạt được nêu tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được áp dụng cho toàn bộ cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Trước tình trạng bán bảo hiểm qua ngân hàng có quá nhiều sai phạm, nhiều ý kiến cho rằng, chức năng bán bảo hiểm là của công ty bảo hiểm, việc đẩy qua ngân hàng dễ xảy ra tình trạng “bia kèm lạc” khi vay vốn và đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cấm bán bảo hiểm nhân thọ trong ngân hàng thương mại...
Tuy nhiên, theo Luật sư Hùng, Ngân hàng nhà nước không cần thiết phải cấm quyền bán bảo hiểm nhân thọ trong ngân hàng thương mại. Bởi để được phép kinh doanh bảo hiểm, tổ chức đó cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP. Cụ thể, đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng điều kiện như sau:
Phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm;
Người đứng đầu bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính;
Tại mỗi chi nhánh của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý. Tại mỗi phòng giao dịch của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 1 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý;
Có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm khai thác qua tổ chức đại lý;
Có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý. Quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý; việc xử lý vi phạm đối với các nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý khi trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý;
Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết lập một quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần đưa ra các quy định, thường xuyên hoặc định kì thực hiện kiểm tra, rà soát các hoạt động của Ngân hàng thương mại về chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Không để xảy ra trường hợp cán bộ /đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.
- Nóng: Phát hiện loạt sai phạm trong việc bán bảo hiểm của Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife
- Prudential, Sun Life, BIDV MetLife, MB Ageas hạch toán sai lệch hàng trăm tỷ thu nhập chịu thuế