Vì sao kiệu hương Đà Nẵng thu hút người tiêu dùng dịp Tết?
Những tháng cuối năm, hàng trăm nông dân xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang tất bật để kịp đưa kiệu hương ra thị trường, phục vụ người dân đón Tết cổ truyền Nguyên đán 2025.
Kiệu hương không chỉ là món ăn ngon mà còn mang đậm giá trị văn hóa, bởi theo phong tục của người Việt, kiệu tượng trưng cho sự sum vầy, an lành, góp phần tạo nên hương vị đặc sắc ngày Tết.
Cây kiệu được nông dân ở đây trồng quanh năm, chia làm 2 vụ, gồm vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu, nhưng vụ Đông Xuân là chính. Những ngày này, bà con nông dân đang bám đồng ruộng, tập trung chăm sóc để có một mùa kiệu bội thu đón Tết.
Trò chuyện với PV, bà Phạm Thị Tại (62 tuổi, sinh sống tại thôn Thạch Nham Tây, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) cho biết, “để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ củ kiệu trong dịp Tết Nguyên đán thì kiệu hương được xuống giống từ rằm tháng 7 âm lịch đến tháng Chạp mới thu hoạch, mỗi sào kiệu thu hoạch tầm 400-500kg củ”.
Tuy nhiên, trồng kiệu cũng qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự chịu khó và tỉ mỉ của người nông dân. Sau khi mua giống về, phải làm đất, làm sạch cỏ, chia hàng, bỏ phân lân, bánh dầu rồi mới chuẩn bị xuống giống. Do thời tiết trồng kiệu Tết thường không thuận lợi, cây trồng dễ mắc bệnh nên người dân phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện tìm cách chăm bón phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Sơ (tại thôn Thạch Nham Tây, huyện Hòa Vang), năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn lên đồi trồng, chăm sóc kiệu hương, bà cho biết thêm: “Thời tiết năm nay thuận lợi nên gia đình bà xuống giống hơn 3 sào kiệu, hy vọng năm nay kiệu hương được mùa được giá”.
Được biết diện tích trồng kiệu hiện nay của huyện trên 3 ha đất, có khoảng 40 đến 60 hộ dân tham gia sản xuất. Sở dĩ, kiệu hương ở đây được nhiều người biết đến và ưa chuộng phần lớn là vì kiệu được người nông dân trồng trên đồi cao, dốc, hấp thụ nước mạch từ các khe núi chảy xuống làm cho kiệu có thân nở, khi chế biến không bị hăng và thơm giòn đặc trưng so với các loại kiệu trồng trên đất cát thông thường.
Hiện tại nông dân cũng hơi lo ngại về giá bán ra vì vẫn chưa xác định được giá thị trường kiệu năm nay, so với năm ngoái giá giống kiệu chỉ ở mức 30.000 đồng/1 ký nhưng năm nay giá giống kiệu tăng lên đáng kể.
“Năm nay kiệu giống hiện đã 57.000 đồng/ký, chưa biết giá bán ra bao nhiêu, đành theo thị trường dù giống đắt, bán ra rẻ cũng phải chấp nhận. Tôi cũng mong muốn thời tiết thuận lợi, không gặp nhiều sâu bệnh để kiệu hương được mùa, củ to, trắng đẹp, hy vọng kiệu được giá để trang trải dịp cuối năm”, bà Tại bộc bạch.
Dù giá trị kinh tế mang lại không nhỏ, nghề trồng kiệu hương cũng gặp không ít khó khăn, đối mặt với nhiều bất lợi như thời tiết, sâu bệnh, giá cả thị trường biến động. Người dân phải bỏ nhiều công sức để mong kiếm được khoản tiền cho dịp Tết Nguyên đán, song vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thương lái.
Để nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, ngoài những kinh nghiệm vốn có của người dân, chính quyền địa phương còn tổ chức tập huấn kỹ thuật về cách bón phân, phun thuốc phân qua lá và chăm sóc kiệu sau mưa để có được hiệu quả cao nhất. Nhờ sự hỗ trợ thiết thực này, bà con không chỉ bớt đi gánh nặng mưu sinh mà còn duy trì, phát triển loại cây trồng gắn bó với văn hóa ngày Tết.