Những nguyên nhân nào khiến bạn mua sắm dù không cần thiết?
Nhiều người đang rơi vào tình trạng nghiện mua sắm, dẫn tới mua phải những thứ không cần thiết. Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao mình lại mua sắm dù không cần thiết không?
Không nghĩ về những thứ mình đã có
Những thứ đồ mới với nhiều công dụng hay ho luôn hấp dẫn bạn khiến bạn quên rằng mình đã sở hữu món đô với công dụng y hệt. Nhiều người trong chúng ta cũng có suy nghĩ "càng nhiều càng tốt". Vì thế mà bạn luôn mua những thứ mà thực sự không cần thiết.
Để có thể hạn chế được điều này, bạn hãy thử nghĩ về những thứ mà bạn đã có và độ hài lòng với những sản phẩm đó. Điều này không những giúp bạn bạn ngừng tập trung vào những món đồ mới kia, mà còn sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn vì không mua chúng. Đây là một trong những cách giúp bạn hoạch định được tài chính cá nhân và mang lại cảm giác hài lòng với cuộc sống.
Muốn gây ấn tượng với mọi người
Đừng cố "chạy theo" để mua đồ cho bằng người này, người kia bởi mỗi người khác nhau sẽ có những nhu cầu mua sắm khác nhau. Nếu mua sắm chỉ để gây ấn tượng với người khác thì thực chất bạn không cần thứ đồ đó mà chỉ là để thỏa mãn cảm giác sĩ diện mà thôi. Nó thậm chí khiến bạn cố sống theo một tiêu chuẩn nào đó không phù hợp với mình và lãng phí cả khoản tiền lớn.
Những nhu cầu cơ bản gồm: Nơi ở, quần áo, phương tiện đi lại, thực phẩm, tiện ích (điện, nước...). Những thứ khác tùy thuộc vào mỗi người. Hãy bắt đầu thiết lập ngân sách chi tiêu hợp lý và chỉ ra rõ ràng cho những thứ nào là cần thiết và cái gì là khoản tiêu xài theo ý thích.
Tiếp xúc quá nhiều với quảng cáo
Ngày nay, ảnh hưởng của quảng cáo đến người tiêu dùng là rất mạnh. Những nhà kinh doanh đã đổ cả núi tiền vào quảng cáo mỗi năm vì họ biết chắc cách này rất hiệu quả.
Bạn có nhu cầu mua sắm bất cứ thứ gì, hoặc thậm chí bạn chỉ cần vừa nghĩ ra những món đồ đó và tìm kiếm chúng, lướt qua chúng trên mạng xã hội thì ngay lập tức sẽ có vô số quảng cáo liên quan tiếp cận đến bạn. Do đó, muốn hạn chế mua những món đồ linh tinh, không cần thiết, bạn hãy hạn chế xem quảng cáo mạng xã hội và tivi…
Mua sắm trong lúc buồn chán
Một trong những thời điểm tệ nhất để mua sắm đồ là lúc bạn buồn chán. Tìm cách mua sắm dù không cần thiết để giải tỏa nỗi buồn hay giải stress là một cách chi tiêu sai lầm. Vì sự buồn chán, bạn sẽ chẳng suy nghĩ gì nhiều mà sẽ có xu hướng chọn bừa, chọn sản phẩm giá rẻ... Và khi nhận ra thì đã quá muộn, bạn đã chọn mua những thực phẩm hay những loại quần áo mà bạn đã thực sự có rồi hay không cần thiết.
Thói quen thích ngắm đồ
Có phải lý do này là một lý do mà bạn đã gặp rất nhiều đúng không? Có lẽ bạn và rất nhiều người sẽ hay mua sắm các vật dụng không cần thiết vì họ rất thích đi lang thang tại các cửa hàng, nhìn ngắm chúng. Để có thể hạn chế được thói quen này, tốt nhất ngay từ bây giờ bạn hãy từ bỏ việc đi dạo mua sắm cho vui hay để giải tỏa bản thân. Hãy từ bỏ thói quen đi dạo mua sắm cho vui bằng cách lập ra một danh sách những thứ bạn cần và chỉ mua các đồ trong danh sách đó.
Nghĩ có nhiều đồ là một khoản đầu tư cho tương lai
Một trong những chiêu thức để các cửa hàng hay các doanh nghiệp bán hàng tốt nhất dành cho bạn, đó chính là họ sẽ hướng đến cho bạn một “sự đầu tư” cho tương lai. Chẳng hạn, một người bán xe hơi có thể khích lệ bạn "đầu tư" vào một phương tiện giao thông "đáng tin cậy" khi chiếc xe bạn đang dùng vẫn chạy tốt. Hay như khi bạn bước vào một cửa hàng đồ điện tử, những nhân viên bán hàng tại đây sẽ khích lệ bạn đầu tư vào một loại hàng điện tử đáng tin cậy nào đó vì chúng sẽ rất có ích trong tương lai của bạn, trong khi vật dụng này bạn vẫn đang sử dụng tốt tại nhà...
Tốt hơn hết, bạn không nên mua những thứ này trừ khi đó là một loại sản phẩm mà bạn thực sự cần và bạn sẽ có thể chi trả được các chi phí này trong tương lai.
Bạn cảm thấy có nhiều đồ hơn thì mình sẽ yên tâm hơn
Việc mua sắm và sở hữu thật nhiều đồ vật sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống của mình chất lượng hơn và an toàn hơn. Đây là một lý do mà rất nhiều người cùng mắc phải. Nhưng thực tế, những thứ không cần thiết này khi bạn mua về nếu không sử dụng thì chúng cũng sẽ hư hại. Các chuyên gia chưa thể lý giải tại sao người ta lại cần mua đồ để mang lại cảm giác yên tâm nhưng nhận ra đây là một sai lầm sẽ giúp bạn hạn chế bê về nhà nhiều thứ chẳng dùng tới.
Bạn không nghĩ ra giải pháp cho các vấn đề của mình
Thay vì mua các thiết bị gia dụng mới, tại sao bạn không mang đi sửa cho đỡ tốn kém? Thay vì mua một chiếc giẻ lau bụi mới, sao không dùng lại món đồ vải cũ? Thay vì chạy ra ngoài ăn hàng, sao không dùng những thứ còn lại trong tủ lạnh để tự nấu? Hãy từ bỏ suy nghĩ "mới luôn tốt hơn cũ" và tìm ra các giải pháp sáng tạo để tiết kiệm chi tiêu.