Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 24/07/2023, 08:36 (GMT+7)

Nhiều ông lớn công nghệ Đông Nam Á thu hẹp giấc mơ “siêu ứng dụng”

Với nhiều công ty công nghệ Đông Nam Á với giấc mơ “siêu ứng dụng” và các nhà đầu tư vào chúng, chiến lược đang bắt đầu có sự thay đổi.

Grab và GoTo dành phần lớn thời gian của thập niên trước để “gom” nhiều dịch vụ tiêu dùng từ gọi xe đến giao đồ ăn vào trong cùng một ứng dụng. Các nhà đầu tư toàn cầu đổ tiền vào các startup này, đặt cược vào tốc độ phát triển mạnh của một khu vực có dân số yêu công nghệ cùng nhu cầu các dịch vụ số tăng mạnh do đại dịch COVID-19.

Dù vậy, Grab và GoTo đã buộc phải lựa chọn thế “rút lui” trong 12 tháng vừa qua khi cắt giảm hàng nghìn nhân sự đồng thời thu hẹp quy mô nhiều mảng kinh doanh. Cổ phiếu của 2 công ty đã giảm hơn 60% so với mức giá chào sàn.

st1
Grab và GoTo là hai siêu ứng dụng đáng chú ý ở Đông Nam Á. Hai công ty này đều đã niêm yết lần lượt ở Mỹ và Indonesia. (Ảnh: FT).

Lãi suất tăng đã đặt dấm chấm hết cho thời kỳ vốn đầu tư rẻ. Thực tế này khiến nhiều công ty đang đốt tiền phải quay lại với thực tại và đánh giá lại liệu mô hình kinh doanh của mình có thể mang đến lợi nhuận hay không, các nhà phân tích nhận định.

“COVID mang đến cho GoTo và Grab tốc độ tăng trưởng thần tốc”, Angus Mackintosh, người sáng lập CrossASEAN Research, nhận định. “Họ vẫn duy trì mô hình siêu ứng dụng nhưng phải thu hẹp quy mô khá nhiều. Họ không thể làm theo cách quyết liệt mà mình từng theo đuổi. Họ cần có lợi nhuận”, ông nói thêm.

Grab và GoTo lấy cảm hứng cho chiến lược siêu ứng dụng từ những công ty công nghệ Châu Á như WeChat (Tencent).

Mô hình này được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, thể hiện qua thương vụ sáp nhập với một công ty thâu tóm – sáp nhập chuyên dụng để niêm yết trên sàn Mỹ của Grab với giá trị tới 40 tỷ USD. GoTo cũng thực hiện IPO trên thị trường chứng khoán Indonesia với định giá 32 tỷ USD.

Mô hình này đến nay bắt đầu gặp nhiều thách thức bởi nó vốn phụ thuộc vào việc thu hút khách hàng thông qua các hình thức giảm giá và khuyến mại. Bên cạnh việc sa thải 11% nhân sự vào tháng trước, Grab cũng dừng kinh doanh mô hình bếp trung tâm (cloud-kitchen), giảm khuyến mại ở các mảng giao đồ ăn và giảm đầu tư vào hoạt động mở rộng sang các mảng như giải trí.

Anthony Tan, người sáng lập Grab, cho biết đợt cắt giảm nhân sự không phải một “lối tắt” đến việc có lợi nhuận. Ông vẫn khẳng định Grab đang trên đà đạt được trạng thái hoà vốn sau điều chỉnh doanh thu vào cuối năm nay. Dù vậy, thực tế thì Grab đang đối mặt với tăng trưởng chậm lại và số lượng giao dịch của người dùng đi xuống.

Grab ghi nhận lỗi theo quý giảm dần về mức 244 triệu USD trong quý I/2023. Dù vậy, giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 3%, thấp hơn nhiều so với mức 24% ghi nhận trong năm 2022.

GoTo cũng thu hẹp khoản lỗ theo quý về mức 260 triệu USD trong quý đầu năm nay. Cùng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GMV của GoTo cũng giảm về mức chỉ 6% so với mức 33% của năm 2022.

“Tăng trưởng chậm lại đến từ quyết định loại bỏ các giao dịch chất lượng thấp, thúc đẩy  nhờ khuyến mại trong bối cảnh chúng tôi điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh mà ở đó mọi người dùng đều có thể có lợi nhuận”, GoTo chia sẻ trong một thông cáo báo chí.

st2
Nhân viên đóng gói hàng tại một nhà kho của Tokopedia (thuộc GoTo) ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Reuters).

GoTo đã thực hiện nhiều đợt cắt giảm nhân sự và từ bỏ một số dịch vụ theo yêu cầu như GoClean hay GoMassage. Tháng trước, công ty này bổ nhiệm Patrick Walujo, một nhà đầu tư lâu năm vào công ty, giữ vị trí CEO. Giới đầu tư tin rằng thay đổi này có thể mang đến nhiều thay đổi mạnh mẽ hơn cho GoTo.

“Ông ấy là một doanh nhân có năng lực và không phải một người hành động theo cảm xúc. Nếu phải đưa ra quyết định khó khăn, ông ấy sẽ làm điều đó”, một nhà đầu tư nhận định.

Shane Chesson, đối tác sáng lập của Openspace, một nhà đầu tư sớm của Gojek, nói rằng mô hình siêu ứng dụng vấn có ý nghĩa trong việc đáp ứng nhu cầu thường nhật của người dùng. “Các công ty cần tập trung lại vào các dịch vụ thiết yếu và loại bỏ các dịch vụ phù phiếm”, ông nhận định.

Một nhân sự của Grab nói với Financial Times rằng mặc dù công ty đã trở nên “tinh gọn hơn” nhưng Grab vẫn tin rằng nó có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho người dùng và trở nên có lợi nhuận, tương tự Uber.

Không ít người vẫn hoài nghi về việc các siêu ứng dụng Đông Nam Á có thể mang lại lợi nhuận đều đặn cho các nhà đầu tư. Mặc dù Grab và GoTo khẳng định mức độ thâm nhập thị trường vẫn thấp, do đó vẫn còn rất nhiều cơ hội, họ cũng đang phải đối mặt với nhiều cạnh tranh.

Các đối thủ trường vốn từ Trung Quốc như TikTok Shop đã bắt đầu tạo được chú ý ở mảng TMĐT trong 12 tháng gần đây. Một đối thủ tăng trưởng nhanh khác là Sea, công ty vận hành sàn TMĐT Shopee. Công ty này cũng đang mở rộng sang lĩnh vực giao đồ ăn và tài chính, những lĩnh vực mà Grab và GoTo cũng đặt nhiều hy vọng

Cùng chuyên mục