Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 30/06/2024, 06:33 (GMT+7)

Nhận diện 'bẫy' lừa đảo qua điện thoại và những khuyến cáo 'sống còn' của cơ quan Công an

Có những nạn nhân đã mất vài tỷ đồng vì “bẫy” lừa đảo qua điện thoại của tội phạm. Không ít người vì cả tin xen lẫn sợ hãi trước “chiêu trò” của chúng để rồi toàn bộ số tiền dành dụm được bỗng dưng biến mất…

Khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an, Thương Trường đưa tin.

Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thị T. (Thanh Oai, Hà Nội). Khoảng đầu tháng 6/2024, chị bị lừa đảo với tổng số tiền lên đến 200 triệu đồng. Theo đó, một người thân trong gia đình chị hiện đang sinh sống tại Cộng hoà Liên bang Đức có nhắn tin cho ông qua ứng dụng nhắn tin Messenger của mạng xã hội Facebook.

Không biết rằng tài khoản mạng xã hội của người thân đã bị các đối tượng lừa đảo lấy mất và nhắn tin cho nhiều người vay tiền, chị T. tin rằng đó là người thân của mình và gửi tiền liên tiếp 3 lần đến cho số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp.

Tương tự trường hợp của chị T., ông Lê Văn M. (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ông bị lừa mất số tiền 20 triệu đồng vì nhấn vào đường link giả mạo thu tiền hoá đơn hàng tháng.

Bộ Công an cũng cho biết, trong năm qua, lực lượng chức năng đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng. Cũng trong thời gian này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam với tổng số tiền người dân bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng.

nh

Thủ đoạn tinh vi, người dân cần tỉnh táo để không sập bẫy

Được biết, các đối tượng thường giả mạo nhân viên ngân hàng, gọi điện giới thiệu chương trình miễn phí thẻ thường niên, tăng hạn mức thẻ, ưu đãi. Sau đó kết bạn zalo và gửi link website giả mạo, chiếm đoạt các thông tin xác thực, thông tin thẻ, mã OTP - từ đó chiếm đoạt tiền.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, các đối tượng lừa đảo, chiếm dụng tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, có phân công cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn phạm tội.

Những đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài thành lập những nhóm chuyên để chiếm đoạt tài sản qua mạng. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên chia sẻ, cập nhật kịch bản, triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, sự sơ hở của các cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm.

Trước diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi của các đối tượng chiếm đoạt tài sản qua mạng, A05 đã xác định đây không phải là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an, mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Cùng chuyên mục