Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 25/06/2024, 14:44 (GMT+7)

70% người Việt đối mặt với trò lừa đảo ít nhất 1 lần/tháng, Công an Hà Nội cảnh báo khẩn

Theo số liệu từ Dự án chống lừa đảo năm 2023, người Việt bị lừa đảo qua mạng rất nhiều, với số tiền lên đến 16 tỷ. Công an Thành phố Hà Nội đã phải liên tục phát đi những cảnh báo khẩn để người dân có thể phòng, tránh.

Số liệu từ Dự án chống lừa đảo năm 2023 cho thấy, trung bình mỗi người Việt tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo. 29% người tham gia khảo sát cho biết họ phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc, trung bình số tiền thiệt hại khoảng 17,7 triệu đồng. Số liệu khảo sát cũng cho thấy, 71% người được hỏi bị lừa thông qua Facebook và Gmail, theo sau là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%).

Báo cáo cũng đưa ra thông tin, 70% người Việt phải đối mặt với trò lừa đảo ít nhất mỗi tháng 1 lần; 14% người được hỏi cho biết, họ không tự tin khi phải đối mặt với các chiêu thức lừa đảo, còn 55% cho rằng họ có thể dễ dàng nhận diện các vụ lừa đảo.

Người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng mất gần 16 tỷ USD trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu trong năm 2023. Đó là con số rất lớn để thấy rằng, Việt Nam là vùng trũng về nhận thức thông tin và sử dụng mạng.

Trước tình trạng này, Công an Thành phố Hà Nội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia đầu tư các sàn giao dịch tài chính online, với lời quảng cáo đầu tư sinh lời, lãi suất cao đánh vào tâm lý nhiều nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh chóng. Đây cũng chính là cơ hội để các đối tượng lừa đảo "giăng bẫy", theo Cổng thông tin Công an Thành phố Hà Nội.

Ngày 11/6/2024, Công an huyện Đan Phượng tiếp nhận trình báo của chị N (SN 1981; trú tại: Đan Phượng, Hà Nội) về việc bị chiếm đoạt tài sản khi tham gia sàn giao dịch đầu tư tài chính online.

lừa

Theo đó, chị N được các đối tượng gọi điện, mời tham gia đầu tư online và được hướng dẫn lập tài khoản để nạp tiền vào sàn rồi nhận tiền lãi. Với quảng cáo lợi nhuận cao, chị N đã nạp gần 800 triệu đồng để đầu tư. Tuy nhiên, khi chị N muốn rút tiền thì hệ thông báo lỗi không rút được. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị N đã đến cơ quan Công an trình báo.

Tương tự, anh Trần Minh Đức (quận Đống Đa, Hà Nội) kết bạn với một người tên Yến Vy từ mạng xã hội Facebook. Vy chia sẻ với Minh Đức có anh trai sống bên Hàn Quốc với kinh nghiệm 10 năm đầu tư tài chính và là nhân viên của trang Hana Bank - Nền tảng tài chính quốc tế online. 

Ngày 4/5 vừa qua, Vy chủ động tạo cho Minh Đức một tài khoản giao dịch trên ứng dụng và chỉ cần làm theo lời Vy thì có thể kiếm tiền lãi từ 10% đến 20% tùy vào số tiền mỗi lần đầu tư nhiều hay ít. Trong quá trình giao dịch sẽ được anh của Vy gửi mã tốt nhất. Tin tưởng Vy, Minh Đức thử giao dịch số tiền ban đầu là 25 triệu đồng và nhận được số tiền lời 2,5 triệu đồng. 

Ngày hôm sau, Minh Đức giao dịch với tiền lớn hơn là 150 triệu đồng và nhận khoản tiền lãi 15 triệu đồng về tài khoản cá nhân. Và mỗi lần chơi chỉ cần khoảng 15 phút là rút được cả gốc lẫn lãi. Đức chơi được 6 lần và thu về tiền lãi khoảng 50 triệu đồng. Sau khi thấy Minh Đức bắt đầu "cắn câu", Vy chủ động nói với Minh Đức sẽ chơi với số tiền lớn là hơn 1 tỷ đồng. Khi đang tiến hành giao dịch thì hệ thống báo hết giờ chơi. 

Ngày hôm sau Vy nói là đã nộp thêm cho Minh Đức 50 triệu đồng để gia hạn 3 ngày và để giữ được số tiền đó thì phải bỏ thêm 300 triệu đồng vì đã nâng cấp lên thẻ Vip1 sau đó mới rút được về cả gốc lẫn lãi. Tới lúc này, anh Minh Đức đã biết mình bị lừa nên đành chấp nhận bỏ cuộc. 

Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía người chủ quản hoặc công ty chủ quản quản trị trang, cũng như không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo, bởi toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép.

Nếu tham gia đầu tư, người đầu tư sẽ đứng trước rủi ro rất lớn, có thể bị chiếm đoạt, mất toàn bộ tiền đầu tư. Người dân có thể tìm hiểu về các app, dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ. 

Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan công an trình báo để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy người dân cần phải hết sức cảnh giác và thận trọng trước các lời mời về đầu tư tài chính trên các mạng xã hội, website,... để tránh trở thành "miếng mồi ngon" cho những kẻ lừa đảo.

Cùng chuyên mục