Thứ tư, 21/02/2024, 11:11 (GMT+7)

Người Việt chi bao nhiêu tiền mỗi ngày để gọi đồ ăn online?

Báo cáo mới đây của Momentum Works cho biết, người Việt chi khoảng 90 tỷ đồng cho việc gọi đồ ăn trên các ứng dụng online mỗi ngày.

Theo Momentum Work, trong năm 2023, các ứng dụng gọi đồ ăn tại Việt Nam đã thu về khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 35.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, người Việt sẽ chi khoảng 90 tỷ đồng cho việc gọi đồ ăn trên các ứng dụng online mỗi ngày. 

Trong đó, hai ứng dụng thống lĩnh thị phần gọi đồ ăn tại Việt Nam là Grab và Shopee Food. Trong đó, Grab đứng đầu, chiếm 47% thị phần; Shopee Food chiếm 45% thị phần; 8% còn lại là qua BaeMin (đã dừng hoạt động tại Việt Nam từ cuối 2023) và GoJek.

Top 5 app đặt đồ ăn giúp chủ quán bán hàng online hiệu quả
Năm 2023, Grab đứng đầu đứng đầu thị phần giao đồ ăn tại Việt Nam. (Ảnh: M.H)

Không chỉ riêng ở Việt Nam, dịch vụ giao đồ ăn của Grab cũng đang được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Phillipnes, Singapore, Indonesia. Tính chung cả khu vực Đông Nam Á, Grab hiện đang là ứng dụng dẫn đầu thị trường gọi đồ ăn với tổng giá trị đơn hàng lên đến 9,4 tỷ USD. Con số này đã đưa "kỳ lân máu mặt" trong lĩnh vực giao đồ ăn bỏ xa các đối thủ khác như Foodpanda (2,7 tỷ USD), Gojek (1,8 tỷ USD), Shopee Food (1,5 tỷ USD), Lineman (1,3 tỷ USD)...

Cũng theo Momentum Works, trong khi tại các quốc gia khác vẫn chưa cạnh tranh được với Foodpanda, Shopee Food tại Việt Nam thống lĩnh thị phần nhờ việc mua lại Now. 

Trong năm 2023, giá trị đơn hàng đặt qua các ứng dụng giao đồ ăn tại Việt Nam tăng 30% so với năm trước đó, là mức tăng nổi bật so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, quy mô giá trị đơn hàng 1,4 tỷ USD của Việt Nam vẫn kém hơn mức 2,4 tỷ USD của Malaysia, 2,5 tỷ USD của Phillipnes và Singapore hay 3,7 tỷ USD của Thái Lan...

Trong năm 2023, ngoại trừ Việt Nam, hầu hết thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á đều rơi vào cảnh chững lại do ảnh hưởng bởi xu hướng thắt chặt chi phí của các nền tảng. Dự kiến, thị phần giao đồ ăn của Việt Nam trong năm 2024 sẽ xáo trộn mạnh sau khi Baemin quyết định rút lui vào tháng 12 năm ngoái. 

Từ khóa:
Cùng chuyên mục