Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 02/10/2023, 07:02 (GMT+7)

Người Nhật ngày càng ưa chuộng mì ăn liền hương vị Việt Nam

Kể từ đại dịch COVID-19 với lệnh hạn chế du lịch ra nước ngoài, người Nhật bắt đầu yêu thích hơn các thương hiệu mì ăn liền hương vị Việt Nam hay Thái Lan.

Mì ăn liền, món ăn được yêu thích có nguồn gốc từ Nhật Bản, đang quay trở lại quê hương qua đường nhập khẩu kèm theo hương vị Đông Nam Á và người tiêu dùng Nhật Bản rất yêu thích chúng, theo Nikkei.

Xu hướng này thăng hoa trong đại dịch COVID-19 khi người Nhật Bản, vốn không thể đi du lịch nước ngoài, tìm kiếm các hương vị từ Việt Nam hay Thái Lan dưới dạng mì ăn liền có thể nấu được chỉ trong 5 phút.

my
Người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng thích các thương hiệu mì nhập khẩu từ các nước Châu Á. (Ảnh: Nikkei).

Nhập khẩu mì ăn liền của Nhật Bản từ các nước Châu Á chạm mốc 8,6 tỷ yên (57,6 triệu USD) vào năm 2022, theo số liệu của Bộ Tài chính. Con số này cao gấp 3,1 lần số liệu của năm 2017. Tại một khu chợ đồ Châu Á tại Shin-Okubo, Tokyo, mì ăn liền với bao bì có tiếng nước ngoài được bày bán nổi mật gần lỗi vào. “Khoảng 80% khách hàng mua mì ăn liền”, một chủ cửa hàng nói.

Gần 80% mì ăn liền nhập khẩu vào Nhật Bản đến từ Hàn Quốc nhưng sản phẩm từ Đông Nam Á cũng đang ghi nhận tăng trưởng mạnh. Nhập khẩu từ Việt Nam chạm mốc khoảng 500 triệu yên vào năm 2022, cao gấp 5,6 lần số liệu năm 2017. Trong khi đó, nhập khẩu từ Thái Lan tăng xấp xỉ gấp đôi lên 510 triệu yên.

Nhìn nhận được xu hướng này, các công ty Nhật Bản đang sản xuất mì ăn liền ở nước ngoài cho các thị trường khác cũng bắt đầu nhập khẩu chúng lại thị trường Nhật Bản.

Acecook vào Việt Nam vào năm 1993 và hiện đang là nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất tai đây với thị phần khoảng 40%. Năm 2018, Acecook bắt đầu hoạt động nhập khẩu và bán hàng quy mô đầy đủ ở Nhật Bản đối với thương hiệu mì Hảo Hảo sản xuất tại Việt Nam.

Ban đầu, Acecook muốn bán hàng cho người Việt Nam sống ở Nhật Bản nhưng người tiêu dùng Nhật Bản cũng đã bắt đầu mua mì. Đến năm 2022, doanh thu hàng năm của Acecook đã tăng gấp 3 lần. Acecook cũng nhận được đơn hàng từ nhiều cửa hàng thực phẩm nhập khẩu lớn.

“Nhu cầu thực phẩm Châu Á chân thực, thay vì các sản phẩm được may đo cho khẩu vị người Nhật đang tăng mạnh”, một người đại diện của Acecook nói. Với độ nổi tiếng của Hảo Hảo, Acecook cũng sẽ bắt đầu nhập khẩu thương hiệu Mì Lẩu Thái vào tháng 11 tới.

Hồi tháng 7, Nissin Foods bán ra một đợt mì có hương vị tom yum do một công ty con tại Thái Lan sản xuất. “Chúng tôi có ý tưởng này từ các thương hiệu mì từ các nhà sản xuất Thái Lan chúng tôi nhìn thấy tại các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu hoặc các sàn TMĐT Thái Lan”, một phát ngôn viên chiến lược bán hàng của Nissan chia sẻ.

Bắt đầu từ tháng 4, Ajinomoto cũng ra mắt ở Nhật Bản một cách giới hạn thương hiệu mì do công ty con ở Thái Lan bán. Chúng bao gồm mì hương vị tom yum YumYum. Thương hiệu mì này có hơn 20% thị phần ở Thái Lan. Ajinomoto đang cân nhắc bán mặt hàng này xuyên suốt cả năm..

Các lệnh hạn chế do COVID-19 đã khiến nhu cầu mì ăn liền trên toàn cầu chạm mốc 121,2 tỷ USD vào năm 2022, tăng 2,6% so với năm 2021, theo ước tính của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới. Trong năm 2022, Trung Quốc, Hong Kong vẫn là các thị trường mì lớn nhất thế giới, theo sau đó là Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản.

Mì ăn liền được sản xuất lần đầu tại Nhật Bản vào năm 1958. Momofuku Ando, nhà sáng lập Nissin Foods, nghĩ ra ý tưởng này khi Nhật đang gặp khó khăn với nạn thiếu hụt thực phẩm sau Thế chiến thứ II.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục