Thứ tư, 20/03/2024, 10:14 (GMT+7)

Ngân hàng 'rộn ràng' bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, vì sao?

Khi nguồn huy động vốn trong nước không đủ dồi dào thì vốn ngoại là một hướng mở được các tổ chức tín dụng tính tới để nâng cao năng lực cạnh trạnh.

Thông tin từ Vietcombank cho biết, ngân hàng này sẽ chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu). Kế hoạch này được đưa ra từ năm 2019 song chưa thể hoàn tất. Hiện, kế hoạch mới ở bước thuê tổ chức tư vấn.

Tương tự, BIDV cũng sẽ thực hiện kế hoạch bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm nay. Hiện ngân hàng này chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công. 

Nhiều ngân hàng dự kiến bán vốn cho nước ngoài trong năm 2024
Nhiều ngân hàng dự kiến bán vốn cho nước ngoài trong năm 2024. (Ảnh: M.H)

LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được ngân hàng công bố sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Với mục tiêu phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản, HDBank đã dành khoảng 10% room ngoại hiện nay cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Ngân hàng HDBank có kế hoạch hoạch phát hành 12,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong năm nay.

SHB cũng đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo đó, nhà băng này sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong đầu năm 2024.

Phía Techcombank cũng có động thái huy động vốn tương tự. Ngân hàng này cho biết, trong thời gian tới có thể sẽ "mở cửa" đón chào thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược dài hạn trong thời gian tới. Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 22% cổ phần của Techcombank và nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu thêm 8% nữa tại nhà băng này.

Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, quy định hiện hành cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. Với tỷ lệ này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng họ khó có thể tìm được tiếng nói chi phối trong Hội đồng Quản trị của một ngân hàng Việt Nam. Đó cũng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài chưa thật sự muốn rót vốn.

Do đó, để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại, Ngân hàng nhà nước nên cho phép các ngân hàng thương mại nới room ngoại lên tối đa 49% vốn điều lệ. Theo các chuyên gia, điều này sẽ ảnh hưởng không quá lớn đối với toàn bộ hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn nóng, mang tính đầu cơ, hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính.

Cùng chuyên mục