Thứ ba, 26/03/2024, 15:45 (GMT+7)

Ngân hàng mạnh tay chi hàng nghìn tỷ trả cổ tức

Hiện các ngân hàng đang trong giai đoạn hoàn thành kế hoạch cho mùa đại hội cổ đông gần kề. Theo đó, nhiều ngân hàng dự kiến sẽ chi hàng nghìn tỷ lợi nhận thu được để trả cổ tức.

Trong giai đoạn 2020-2022, trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu... Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2023, cơ quan quản lý không còn “siết” việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao sau nhiều năm chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. 

Đến hẹn lại lên, mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng năm nay dường như "nóng" hơn bởi những kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt của các nhà băng lớn. 

Thumb (49)
Ngân hàng mạnh tay chi nghìn tỷ đồng chia cổ tức. (Ảnh: M.H)

Thuộc nhóm ngân hàng cổ phần có lợi nhuận vượt ngưỡng 1 triệu USD, Techcombank hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023, lợi nhuận đạt gần 22.900 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng tốt, Techcombank dự kiến trình cổ đông mức chi trả cổ tức năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, các cổ đông của Techcombank sẽ được nhận cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm chờ đợi. 

Theo ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank, 10 năm trước, ngân hàng quyết định không trả cổ tức để giữ lại nguồn vốn phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Hiện, vị thế và năng lực của Techcombank đã lớn mạnh hơn. Techcombank đã có khả năng vừa trả cổ tức, vừa bảo đảm tái đầu tư ổn định kinh doanh, tiếp tục tăng trưởng.

Cũng trong mùa đại hội cổ đông này, Ngân hàng MB dự kiến trích 20% lợi nhuận để chi trả cổ tức. Trong năm 2023, MB ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi thu về 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Theo kế hoạch, ngân hàng này dự kiến trả cổ tức qua hai hình thức tiền mặt và cổ phiếu. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị MB - Lưu Trung Thái cho biết, MB dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì chưa chốt. Trước đó, MB đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ mức 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tương tự, ACB cũng lên kế hoạch trích 19.886 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia. Theo đó, Hội đồng quản trị ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch, VIB sẽ được tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024  vào ngày 2/4 tới đây. Hội đồng quản trị phía VIB cho biết sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ với mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và thực hiện trong 2 đợt. 

Lần thứ nhất, phía ngân hàng sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6% và lần thứ hai là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng. Việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 đã được đại hội đồng cổ đông VIB phê duyệt vào cuối năm 2023 và đã chi trả vào ngày 21/2/2024. Ở đợt chi trả cổ tức lần hai, phía VIB vẫn chưa đưa ra đề xuất cụ thể về thời điểm chi trả. 

Ngoài những nhà băng trên, HDBank và VPBank cũng là những nhà băng tích cực chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. 

Phía VPBank cho biết, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông. Cuối năm 2023, ngân hàng này đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng với tổng số tiền gần 8.000 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024.

Là nhà băng có truyền thông trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ cao qua các năm, HDBank được nhận định có kế hoạch trình đại hội cổ đông trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ dự báo có thể lên tới 25%.

Cùng chuyên mục