Ngân hàng Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Hàng nghìn tỷ đồng đã được ngân hàng Agribank hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vay ưu đãi bằng việc giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, cho vay mới... Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Giảm mạnh, nhiều lần giảm lãi suất cho vay
Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, xuất nhập khẩu, may mặc, nhiên liệu... Các chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ bị ảnh hưởng đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế nói chung cũng như của ngành Ngân hàng nói riêng.
Trước tình hình đó, bám sát định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thực hiện chính sách tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, ưu tiên đầu tư tăng trưởng tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh…
Cùng với đó, Ngân hàng Agribank thực hiện các giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Agribank đã 14 lần giảm lãi suất huy động, 7 lần giảm lãi suất cho vay, trở thành ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm.
Tuy hoạt động ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn do chịu tác động từ nền kinh tế, nhưng Ngân hàng Agribank chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.
Đến thời điểm hiện tại, Agribank tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ. Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank mong muốn được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Nắm bắt các khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp là cách Agribank đang nỗ lực để khơi thông dòng tín dụng. Ngân hàng đã tăng cường các biện pháp để cung - cầu gặp nhau và triển khai theo đúng ý nghĩa của chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp ở mọi nhu cầu về vốn, từ trung - dài hạn tới ngắn hạn.
Trong năm 2023, Agribank đã dành quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP, tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn theo đúng tinh thần của Nghị định 31/NĐ-CP với tổng quy mô nguồn vốn hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng.
Agribank cũng triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước; liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn; điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất đối với các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VNĐ tại Agribank.
Không để đứt mạch sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn của doanh nghiệp và người dân, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN, Agribank dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến các cá nhân và doanh nghiệp.
Các chương trình tín dụng ưu đãi như chương trình đối với khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu; chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình cho vay tiêu dùng dành cho CBCNV ngành y tế; chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước… được triển khai đã hỗ trợ tích cực không chỉ doanh nghiệp mà còn với các hộ gia đình và cá nhân người lao động, để từ đó, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Agribank có mạng lưới chi nhánh rộng khắp cả nước với gần 2.300 điểm giao dịch từ thành thị đến nông thôn, biên giới, hải đảo; nằm trong top các ngân hàng có mạng lưới lớn nhất hệ thống. Đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,96 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 63%. |
- 4 ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động xuống thấp nhất lịch sử
- Điều gì chờ đợi các ngân hàng số ở Đông Nam Á trong năm 2024?
- Ngân hàng đồng loạt tăng phí SMS Banking