Thứ hai, 29/01/2024, 05:08 (GMT+7)

Điều gì chờ đợi các ngân hàng số ở Đông Nam Á trong năm 2024?

Dân số đông, trẻ, yêu thích công nghệ và tỷ lệ sử dụng smartphone lớn khiến Đông Nam Á trở thành một trong những thị trường hấp dẫn cho các tham vọng ngân hàng số.

Không ít ngân hàng số đã mọc lên ở Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây trong bối cảnh nhiều công ty, tổ chức tài chính muốn chớp lấy cơ hội từ nhóm người dùng trước đó chưa được ngân hàng phục vụ hoặc chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ.

Thế tiến thoái lưỡng nan của các ngân hàng số

Với các ngân hàng số, toàn diện tài chính (financial inclusion) là mục tiêu xứng đáng để hướng tới khi phục vụ nhóm khách hàng ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Mô hình ngân hàng số, với rất ít hoặc thậm chí không có chi nhánh vật lý, đồng nghĩa với việc các ngân hàng số có thể hoạt động với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với ngân hàng truyền thống.

1700627761_Featured-image-Indonesias-digital-bank-landscape
Đông Nam Á là thị trường hấp dẫn với các ngân hàng số. (Ảnh: Tech in Asia).

Chính phủ nhiều quốc gia cũng đã nhập cuộc. Singapore, Malaysia và Philippines đều đã cấp các giấy phép hoạt động ngân hàng số. Trong khi đó, Indonesia cho phép các công ty công nghệ như Grab hay Sea mua và chuyển đổi các định chế truyền thống thành ngân hàng số.

Thế nhưng, ở phần lớn các thị trường mà ngân hàng số đang hoạt động, các ngân hàng số đều chưa đạt được mức độ ảnh hưởng mà chúng và các nhà đầu tư hướng tới.

Florian Hoppe, đối tác của Bain & Co, nhận định: “Lý do có nhóm khách hàng chưa được ngân hàng phục vụ là họ có rất ít tiền và ít cơ hội tiếp cận với các sản phẩm. Bạn không thể cung cấp dịch vụ ngân hàng cho những người nông dân vốn sống bằng cách tự cung tự cấp – đó là thực tế”.

Theo vị chuyên gia này, nhiều người đã hiểu nhầm về những gì các dịch vụ tài chính số có thể làm được. “Có một phần lớn dân số ở Đông Nam Á mà các dịch vụ tài chính số sẽ không thể tiếp cận được. Họ không có nhiều tiền, vì thế bài toán kinh tế không tồn tại”.

Sumit Kumar, giám đốc điều hành tại BCG, đồng quan điểm và cho rằng ngân hàng số không thể có nhiều doanh thu từ nhóm khách hàng này. Thay vào đó, ngân hàng số nên tạo ra một trải nghiệm khác biệt cho nhóm khách hàng chưa hài lòng với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở các thị trường mới nổi.

Với chi phí vận hành thấp, các ngân hàng số có lợi thế lớn và người dùng cuối có thể hưởng lợi từ đó. Chi phí hoạt động của ngân hàng truyền thống có thể chiếm tới 55% thu nhập hoạt động. Trong khi đó, tỷ lệ này của ngân hàng số chỉ cao nhất là 35%, ông Kumar nói. Ông nói thêm rằng “sự thiếu hiệu quả của các hệ thống ngân hàng truyền thống đã tạo ra sự khác biệt này”.

Dù vậy, kinh doanh ngân hàng vẫn là mảng kinh doanh mang tính chất truyền thống hơn là hướng tới sự đột phá như mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ. Mô hình kinh doanh của ngân hàng truyền thống về cơ bản vẫn là thu hút tiền gửi và duy trì dư nợ với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất có thể. Chúng không được phép thất bại. Bên cạnh đó, mảng kinh doanh đặc thù này cũng chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.

Greg Krasnov, CEO và người sáng lập Tonik Bank (Philippines), hiểu rõ thực tế này. Tonik Bank, hoạt động ở Philippines từ tháng 3/2021, có giấy phép hoạt động ngân hàng nông thôn từ ngân hàng trung ương Philippines.

“Nhiều người không hiểu sâu về kinh tế ngân hàng cố gắng thu hút khách hàng theo những tiêu chí đo lường của nền kinh tế số”, ông Krasnov nhận định.

Mở rộng tệp khách hàng nhanh chưa chắc đã có lợi cho một ngân hàng như đối với một công ty công nghệ. Số lượng khách hàng không quan trọng bằng quy trình cấp tín dụng vì cho vay vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng.

Thay vì tập trung phục vụ khu vực nông thôn ở những hòn đảo hẻo lánh ở Philippines, Tonik chuyển hướng tập trung vào nhóm khách hàng đã được ngân hàng phục vụ trước đó. Trong năm đầu hoạt động, Tonik thu hút 130 triệu USD tiền gửi và hơn 1 triệu khách hàng. Con số này rất nhỏ so với quy mô thị trường tiền gửi của Philippines (có thể lên tới 300 tỷ USD).

“Dư tiền gửi trung bình trên mỗi khách hàng của chúng tôi hiện là khoảng 1.000 USD. Rõ ràng, đây không phải là nhóm khách hàng lấy tiền dưới gối để gửi cho chúng tôi”, ông Krasnov nói.

Thực tế, các khu vực nông thôn thuộc các thị trường mới nổi như Philippines có thể không có chất lượng kết nối tốt. Việc đón nhận ngân hàng số cũng bị cản trở do trình độ công nghệ thấp. Smartphone cấu hình thấp thường không có đủ bộ nhớ để chạy ứng dụng Tonik và người dùng vẫn chỉ dùng điện thoại cho các tác vụ cơ bản như nhắn tin hay gọi điện.

Nhiều ngân hàng số nhận ra thực tế rằng họ vẫn phải tìm kiếm khách hàng theo cách truyền thống: qua kênh trực tiếp.

Tìm kiếm khách hàng qua kênh trực tiếp là điều tạo ra thành công cho GoTyme Bank, một ngân hàng cũng đang hoạt động tại Philippines. Chiến lược của GoTyme là tích hợp dịch vụ vào hệ sinh thái bán lẻ, lập các ki-ốt ngân hàng tại các cửa hàng truyền thống. Điều này giúp GoTyme theo đuổi được cả các khách hàng không quá am hiểu công nghệ, Coenraad Jonker, chủ tịch Tyme Group, nói.

“Để chiến thắng ở các thị trường mới nổi, bạn không thể chỉ theo đuổi các khách hàng thích công nghệ. Bạn phải theo đuổi toàn bộ thị trường”, ông nói thêm.

Hợp tác ở kênh trực tiếp phát huy được tác dụng ở phương diện này, ông Guillaume De Gantes, đối tác cao cấp tại McKinsey & Co, chia sẻ.

“Thực tế trần trụi là công cuộc chuyển đổi số đang mang lại nhiều giá trị cho các ngân hàng lớn hơn đối với ngân hàng số”, ông nhấn mạnh.

Các ngân hàng số mong muốn phát triển ở các thị trường mới nổi do đó sẽ cần hợp tác với các hệ sinh thái để giảm chi phí thu hút khách hàng đồng thời có thêm dữ liệu để thực hiện các công tác như chấm điểm tín dụng. Ông Kumar của BCG nói rằng dữ liệu từ các hoạt động thanh toán điện nước là chỉ số chấm điểm tín dụng tốt hơn so với thói quen mua sắm trực tuyến.

Vị chuyên gia này nhận định thêm rằng với mức lãi suất như hiện tại, cùng chi phí thâu tóm khách hàng, một ngân hàng số có thể cần từ 5 đến 7 năm để hòa vốn.

Mấu chốt cho thành công

Phục vụ nhóm khách hàng chưa được ngân hàng tiếp cận vẫn có nhiều tiềm năng nhưng mức tiền gửi thấp sẽ khiến các ngân hàng nhắm đến phân khúc này khó xây dựng được nguồn vốn để cho vay. Thiếu dữ liệu cũng khiến nguy cơ nợ xấu cao hơn và ngân hàng số có thể chịu sự quản lý chặt chẽ hơn của các cơ quan điều hành, ông Kumar nói.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải đối phó với các vấn đề như giả mạo danh tính, trong đó kẻ xấu có thể thực hiện khoản vay đứng tên người khác. Vì hệ thống định danh của Philippines chỉ vừa mới ra mắt, giả mạo danh tính vẫn là một vấn đề lớn, Jonker nói.

Tonik hiện tại cung cấp các khoản vay cá nhân và vay tại cửa hàng thông qua hợp tác với các chuỗi mua sắm như Automatic Center, FC Home Center hay Home Along.

Ngân hàng này phải xây dựng và liên tục tinh chỉnh hệ thống đánh giá tín dụng của riêng mình. “Bạn cần thận trọng, cần đảm bảo hệ thống rủi ro có thể tìm ra sự khác biệt giữa khách hàng tốt và xấu. Khi bạn tự tin với điều này, đó là lúc tăng quy mô”, Krasnov chia sẻ.

Bên cạnh đó, ở nhiều quốc gia, cơ quan quản lý cũng áp dụng các mức trần lãi suất. “Trong bối cảnh cơ quan quản lý liên tục hạ trần lãi suất, việc theo đuổi và cho phân khúc khách này vay không còn bền vững bởi bạn thể bù đắp cho nợ xấu và có lợi nhuận”, ông Kumar nhận định.

Ông Hoppe của Bain cho rằng các ngân hàng số sẽ khó có đột phá trong năm 2024. Khi phần lớn dư nợ vẫn nằm trong tay các ngân hàng truyền thống, ngân hàng số sẽ không sớm thay thế được chúng. Dù vậy, ông cho rằng vẫn sẽ có nhiều ngân hàng số mới xuất hiện và đưa ra các giá trị khác biệt cho thị trường.

Cả Tonik và GoTyme đều nhìn thấy nhiều tiềm năng chưa được khai phá tại Đông Nam Á. Tyme đang đặt mục tiêu mở rộng sang Việt Nam trong năm nay với các sản phẩm vay cho SME. “Dung lượng lợi nhuận cho ngân hàng ở khu vực này vẫn rất tiềm năng”, ông Jonker nói.

Trong khi đó, ông Krasnov cho rằng sự cấp tiến của các cơ quan quản lý cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Cung cấp dịch vụ thanh toán không phải dịch vụ chính yếu Tonik đang cung cấp ở Philippines. Thay vào đó, dịch vụ thanh toán là yếu tố thúc đẩy cho các dịch vụ khác như vay hay tiết kiệm. Ông khẳng định mấu chốt cho tăng trưởng vẫn là quản trị rủi ro.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục