Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 22/04/2024, 06:09 (GMT+7)

Nắng nóng tháng 5 ở miền Bắc sẽ diễn ra như thế nào?

Theo dự báo, tháng 5 hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trên Sức khỏe & Đời sống, từ nay đến cuối tháng 5, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C, riêng khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nơi cao hơn từ 2 -3 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. 

Tổng lượng mưa tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Cụ thể, Bắc Bộ thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, riêng vùng núi phía Đông Bắc Bộ có nơi ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; khu vực Trung Bộ thấp hơn từ 20-40% trung bình nhiều năm; Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 10-30% trung bình nhiều năm.

Từ nay đến hết tháng 5, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Khu vực Tây Nguyên-Nam Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Khô hạn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ còn tiếp diễn; khu vực Trung Bộ khô hạn có khả năng xuất hiện và kéo dài trong suốt thời kỳ dự báo. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Capture
Tháng 5 hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Thời kỳ từ ngày 21/4-20/5 là thời kỳ giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn trung bình nhiều năm tại các khu vực trên phạm vi cả nước, do đó nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Thời kỳ từ tháng 6/2024, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm khiến mưa xuất hiện nhiều hơn.

Mùa lũ năm 2024 trên các sông suối khu vực Bắc Bộ ít có khả năng đến sớm. Từ tháng 5-7/2024, trên các sông Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên các sông chính ở khu vực Bắc Bộ ở mức báo động 1, các sông suối nhỏ ở mức báo động 1 đến báo động 2.

Từ tháng 5-7/2024, dòng chảy trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Cụ thể: Dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, riêng hồ Hòa Bình trong tháng 5/2024 có khả năng lớn hơn trung bình nhiều năm do có sự cấp nước bổ sung từ các hồ chứa thượng nguồn; dòng chảy đến hồ Thác Bà (sông Chảy) và đến hồ Tuyên Quang (sông Gâm) có khả năng ở mức thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm.

Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tháng 5/2024, mực nước trên các sông ở đây biến đổi chậm. Từ tháng 5-7/2024, tình trạng khô hạn và thiếu nước diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, từ Phú Yên đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi.

Tại Nam Bộ, trong tháng 5/2024, mực nước trên sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm; tổng lượng dòng chảy sông Cửu Long từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15-20% so với trung bình nhiều năm.

Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, riêng sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé vẫn duy trì ở mức cao, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung vào nửa cuối tháng 4 đến tháng 5/2024 (từ 22-28/4, từ 7-11/5).

Cùng chuyên mục