Thứ bảy, 30/09/2023, 06:10 (GMT+7)

Microsoft từng muốn bán Bing cho Apple để thay thế Google

Minh Sơn (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Lãnh đạo Microsoft từng thảo luận với Apple về khả năng thâu tóm dịch vụ tìm kiếm Bing song đến nay Google vẫn là công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị Apple.

Microsoft từng đàm phán bán công cụ tìm kiếm Bing cho Apple vào năm 2020. Thương vụ này có thể sẽ thay thế Google trong vai trò là công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của nhà sản xuất iPhone, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề.

Nhiều lãnh đạo Microsoft đã gặp ông Eddy Cue, người đứng đầu mảng dịch vụ của Apple, để thảo luận về khả năng thâu tóm Bing. Dù vậy, đàm phán này chưa từng đi đến giai đoạn phát triển. Trong nhiều năm trở lại đây, các công ty đã thảo luận theo nhiều cách để đưa Bing trở thành lựa chọn được ưu tiên. Mặc dù cuối cùng thì Apple vẫn đang gắn bó với Google.

1800x1201
Microsoft từng muốn bán Bing cho Apple song thỏa thuận không đi đến kết quả. (Ảnh: Bloomberg).

Thông tin về các cuộc đàm phán nói trên đã mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ trong lúc Bộ Tư pháp Mỹ đang trong cuộc chiến pháp lý với Google để chứng minh rằng công ty này đã lạm dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm. Mối quan hệ giữa Apple và Google là tâm điểm của cuộc chiến pháp lý này. Google thực tế phải trả cho Apple nhiều tỷ USD để trở thành công cụ tìm kiếm trên iPhone và các thiết bị khác của Apple.

Microsoft ra mắt Bing vào năm 2009 như một đối thủ của Google nhưng Bing chưa từng giành được một thị phần đủ lớn. Theo đó, Google vẫn đang thống trị mảng tìm kiếm còn Bing chỉ có được dưới 10% lượng tìm kiếm.

Apple và Microsoft hiện đang bị lôi kéo vào vụ kiện của chính phủ đối với Google. Lãnh đạo cả 2 công ty đều đang phải điều trần trước tòa. Bộ Tư pháp Mỹ đang sử dụng thương vụ với Apple như một bằng chứng cho thấy Google đang thống lĩnh thị trường tìm kiếm một cách bất công bằng. Ở một phiên điều trần, ông Cue của Apple phản đối cáo buộc và nói rằng Apple dùng Google đơn giản vì nó là lựa chọn tốt nhất hiện nay.

Apple và Google ký thỏa thuận hợp tác tìm kiếm đầu tiên vào năm 2002, trước thời điểm Apple ra mắt trình duyệt web đầu tiên trên Mac. Dần dần, thỏa thuận mở rộng sang các thiết bị khác của Apple, trong đó đáng chú ý nhất là iPhone. Đến năm 2020, Apple thu từ 4 tỷ USD đến 7 tỷ USD mỗi năm từ các thỏa thuận với Google, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Thỏa thuận của Google và Apple bao gồm trình duyệt web Safari cho iPhone, iPad và Mac, và Apple cũng nhận được chia sẻ doanh thu mà Google có được từ những lệnh từ kiếm trong trình duyệt của Apple.

Số tiền Apple kiếm được từ Google là một trong những lý do then chốt khiến Apple từ chối mua lại Bing, theo nguồn tin. Apple cũng lo lắng về khả năng cạnh tranh về chất lượng và năng lực của Bing đối với Google.

Dù vậy, Apple vẫn dùng Bing một phần trong các hoạt động của mình. Sản phẩm của Microsoft là cỗ máy tìm kiếm mặc định bên trong Siru và Spotlight – tính năng thực hiện lệnh tìm kiếm từ màn hình Home của iPhone và iPad – từ năm 2013 đến năm 2017. Dù vậy, Apple quay lại dùng Google từ năm 2017 khi Apple và Google cập nhật điều khoản chia sẻ doanh thu. Bing vẫn là một tùy chọn tìm kiếm trên Safari.

Trong một phiên tòa gần đây, Jon Tinter, một lãnh đạo phát triển kinh doanh của Microsoft, nói rằng Microsoft từng cân đối đầu tư nhiều tỷ USD vào mối quan hệ với Apple trong năm 2016. Hai lãnh đạo cao nhất, Tim Cook và Satya Nadella, thậm chí đã gặp nhau để thảo luận.

Hiện tại, Google vẫn là máy tìm kiếm đằng sau Siri và Spotlight, cũng như là dịch vụ tìm kiếm mặc định trong Safari.

Trong phiên điều trần, ông Cue nói thỏa thuận Apple và Google được mở rộng vào năm 2021. Ông Cue ám chỉ công nghệ của Bing không so sánh được với Google. Ông khẳng định ông “không biết phải làm gì” nếu thỏa thuận với Google thất bại.

Ông Cue cũng nói thêm rằng Apple không nhận thấy sự cần thiết để phát triển một dịch vụ tìm kiếm riêng vì Google rõ ràng là lựa chọn tốt nhất. Điều này khác cách tiếp cận của Apple ở nhiều mảng. Apple cạnh tranh với Google ở dịch vụ bản đồ và trợ lý giọng nói cùng với đó là hệ điều hành cho điện thoại và máy tính.

Cùng chuyên mục