Lương 8 triệu/tháng, mua bảo hiểm đầu tư quá 8 triệu/năm dễ 'gãy' giữa chừng
Nhắc đến bảo hiểm, hiện nay gần như ai cũng nói đến bảo hiểm liên kết đầu tư. Thực tế cũng cho thấy hơn 3 năm trở lại đây, loại hình bảo hiểm này chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng doanh thu phí bảo hiểm mới trong năm. Thế nhưng, đây có phải là phương án tối ưu?
3 năm trở lại đây, loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư ngày càng trở nên phổ biến, chiếm tỷ trọng khoảng hơn 80% tổng doanh thu phí bảo hiểm mới, theo thống kê từ Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT.
Theo bà Đặng Thùy Trang, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân của FIDT, bảo hiểm liên kết đầu tư gồm 2 nghiệp vụ là: Bảo hiểm liên kết Chung và Bảo hiểm liên kết Đơn vị. Cả hai đều có quyền lợi bảo hiểm tách bạch với quyền lợi đầu tư, và người tham gia bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ phần phí bảo hiểm đem đi đầu tư, sau khi khấu trừ các chi phí.
Điểm khác biệt lớn nhất là ở quỹ đầu tư. Trong khi Bảo hiểm liên kết Chung chỉ có một quỹ đầu tư gọi là “Quỹ liên kết chung”, thì Bảo hiểm liên kết Đơn vị cho phép người tham gia chọn một vài quỹ đầu tư được thiết kế riêng cho loại sản phẩm đó, tùy theo khẩu vị rủi ro của mình. Các quỹ này do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc công ty quản lý quỹ thực hiện việc quản lý và đầu tư, do đó chủ hợp đồng bảo hiểm đầu tư thụ động và phải trả phí quản lý quỹ mỗi năm.
Riêng với Bảo hiểm liên kết Chung, trong trường hợp kết quả đầu tư thực tế không như mong đợi thì chủ hợp đồng vẫn được hưởng phần kết quả đầu tư dựa trên lãi suất cam kết tối thiểu.
Mặc dù đang nở rộ nhưng chuyên gia của FIDT lưu ý rằng bảo hiểm liên kết đầu tư không phải là lựa chọn duy nhất và tối ưu cho tất cả mọi người.
Anh Bảo, một công nhân với mức thu nhập 8 triệu/tháng. Do mong muốn có kết quả đầu tư nhảy vọt mà anh gắng sức “sắm” cho mình một “bảo hiểm đầu tư” 10 triệu/năm. Chuyên gia FIDT khuyến cáo rằng đây là mức cao hơn mức khuyến nghị 5%-8% thu nhập năm, tương đương 5 – 7,5 triệu/năm. "Chiếc áo" bảo hiểm quá rộng này có thể khiến anh Bảo lâm vào rủi ro “gãy” bảo hiểm giữa chừng.
Hay như chị An, một người không phải là “tín đồ” của việc đầu tư, chị có rất ít kiến thức về tài chính và thậm chí không quá bận tâm đến dòng chữ in đậm trong mỗi trang bảng minh họa “Khách hàng được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro trong đầu tư”. Điều này có thể khiến chị An bất ngờ nếu mức chi trả không được như kỳ vọng.
Anh Chính, một doanh nhân U50 có kinh nghiệm đầu tư chuyên nghiệp và đã có các lớp tài sản đa dạng như cổ phiếu, bất động sản... Anh chỉ tìm kiếm các lựa chọn gia tăng bảo vệ trong một giai đoạn nhất định, cụ thể là 5 năm đến khi con anh tốt nghiệp đại học, do đó anh Chính không có nhu cầu mua bảo hiểm liên kết đầu tư.
Chuyên gia FIDT cho rằng tuỳ vào tình hình thực tế của từng cá nhân, có thể lựa chọn một hướng đi khác với việc mua bảo hiểm liên kết đầu tư, chẳng hạn như hướng đi “Buy Term – Invest the rest” (tạm dịch “Tham gia Tử kỳ & Tự đầu tư”).
Về bản chất, chiến lược này hướng đến việc tham gia một sản phẩm bảo hiểm Tử kỳ (chỉ bảo vệ sinh mệnh và không có giá trị tích lũy), rồi dành phần chênh lệch Phí bảo hiểm để đầu tư vào các công cụ tài chính khác.
Ở góc hiểu rộng hơn, chiến lược này hướng đến hiệu quả tối ưu hơn khi khách hàng chỉ cần tham gia một/ một vài sản phẩm bảo hiểm thuần bảo vệ (thay vì một kế hoạch vừa bảo vệ vừa đầu tư) với chi phí thấp hơn và sử dụng/đầu tư phần tiền còn lại phù hợp với khẩu vị rủi ro từng người.
Ở các nước có ngành bảo hiểm phát triển lâu đời, định hướng này khá phổ biến do có 3 ưu thế lớn:
Thứ nhất, “tham gia Tử kỳ” với chi phí bảo hiểm thấp hơn. Lấy ví dụ 1 khách hàng nam 30 tuổi và số tiền bảo vệ 1 tỷ đồng, phí bảo hiểm ở mức chuẩn cho 1 kế hoạch Bảo hiểm Tử kỳ trong 30 năm có thể từ 3,2 đến 5,7 triệu/năm tùy sản phẩm của từng công ty. Với cùng số tiền bảo vệ, thông thường phí bảo hiểm sẽ là tối thiểu 10 triệu/năm, hoặc lên đến 15 - 20 triệu/năm cho một sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Nếu thu nhập hiện tại của còn hạn chế, khách hàng này cần lựa chọn tham gia các giải pháp thuần bảo vệ (ví dụ Bảo hiểm Tử kỳ) để phù hợp hơn với khả năng tài chính hiện tại và giảm áp lực tài chính nhằm duy trì kế hoạch bảo hiểm trong dài hạn.
Thứ hai, “tự đầu tư” có thể đem lại hiệu quả cao hơn. Đối với các sản phẩm Bảo hiểm liên kết Đơn vị, theo bà Đặng Thuỳ Trang, điều cần lưu ý là các tỷ suất sinh lời trong các tài liệu trình bày sản phẩm đều là “minh họa”, đồng thời các kết quả trong quá khứ không đảm bảo hiệu suất tương tự trong tương lai.
Thông thường các quỹ phân bổ tỷ trọng cao vào cổ phiếu sẽ có thể đem lại tỷ suất đầu tư cao hơn, có thể lên đến 20% - 30%/năm, tuy nhiên các quỹ này cũng chịu ảnh hưởng của sự biến động của thị trường tài chính, và có những năm hiệu suất rơi xuống -20%, -30%. Nhìn chung, do khoảng dao động rộng, tỷ suất trung bình quân năm của các quỹ đầu tư “tăng trưởng” trong các sản phẩm liên kết đầu tư có thể chỉ nhỉnh hơn VN-Index 2-3%.
Còn nếu chọn các quỹ nghiêng về phân bổ sang tiền gửi có kỳ hạn và/hoặc trái phiếu, hoặc chọn loại hình Bảo hiểm liên kết Chung, thì tỷ suất kỳ vọng ở mức ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư khi này chẳng khác mấy với việc gửi tiền tiết kiệm, trong khi khách hàng vẫn phải trả các chi phí liên quan trong hợp đồng bảo hiểm, như phí ban đầu, phí quản lý quỹ...
Ưu thế thứ ba là có thể lựa chọn công cụ tài chính đa dạng và linh hoạt hơn. Để nhận được đầy đủ các quyền lợi đầu tư trong một hợp đồng bảo hiểm, khách hàng cần tuân thủ những điều kiện khá khắt khe, điển hình là việc đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn cho mỗi kỳ nhận “thưởng duy trì hợp đồng” (thường là 3-5 năm), hoặc không được rút tiền từ tài khoản cơ bản trong suốt 10-20 năm.
Quan trọng không kém, thông thường giá trị hoàn lại trong 3 năm đầu là rất thấp do các chi phí trong những năm đầu khá cao, cộng thêm phí hủy bỏ hợp đồng trong 7-8 năm đầu, khiến bạn khó có thể linh hoạt chuyển đổi giữa các lớp tài sản đầu tư.
Nếu khách hàng tự tin với kiến thức và kinh nghiệm trên thị trường tài chính, thì nên cân nhắc tham gia phần cốt lõi của bảo hiểm là bảo vệ, và sử dụng phần chênh lệch về phí làm nguồn “vốn” để tham gia các kênh tài chính/ đầu tư, một cách chủ động hơn. Đồng thời, bạn có thể lựa chọn các lớp tài sản có khả năng linh hoạt thanh khoản khi cần thiết.
Tuy nhiên, có 2 điều lưu ý quan trọng trước khi lựa chọn “Tham gia Tử kỳ & Tự đầu tư”. Điều thứ nhất, theo chuyên gia FIDT, là không phải ai cũng biết cách tự đầu tư.
"Không phải ai cũng là nhà đầu tư chuyên nghiệp, do đó để việc đầu tư phần tiền “chênh lệch” một cách hiệu quả nhất, bạn hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ về bất cứ kênh tài chính nào mình chọn, đồng thời lên mục tiêu và kế hoạch cụ thể cho việc tự đầu tư", bà Đặng Thuỳ Trang cho hay.
Điều thứ hai, cho dù tham gia Tử kỳ hay các giải pháp bảo hiểm không có tích lũy khác, khách hàng cũng nên cân nhắc thời hạn bảo vệ dài nhất có thể trong khả năng tài chính của mình, và hạn chế tham gia các sản phẩm quá ngắn hạn (ví dụ 1-5 năm) vì khi tuổi càng cao, sẽ khó tham gia bảo hiểm và chi phí sẽ cao hơn.
Chuyên gia FIDT cũng nêu 3 nguyên tắc then chốt khi tham gia bảo hiểm: (1) Tham gia bảo hiểm càng sớm càng tốt, (2) Ưu tiên bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh chi phí lớn như tử vong, tai nạn, bệnh hiểm nghèo, thương tật nặng, đặc biệt cho người trụ cột trong gia đình, (3) Duy trì bảo hiểm trong dài hạn, phù hợp với khả năng tài chính.
- Lương 5 triệu chi tiêu như thế nào để tiết kiệm hiệu quả nhất?
- 4 mục cần lưu ý khi mua bảo hiểm nhân thọ
- Có tiền nhàn rỗi nên mua bảo hiểm nhân thọ hay gửi tiết kiệm sẽ sinh lời hơn?
- Lãi suất ngân hàng biến động nhẹ trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2024
- EVN lý giải vì sao giá điện chỉ tăng, không giảm
- Điểm danh những xu hướng áo dài Tết Giáp Thìn 2024
- Miền Bắc oi bức, tăng nhiệt lên 28 độ trước khi đón không khí lạnh vào ngày mai
- Táo quân 2024 có đạo diễn mới, thay luôn vai diễn "Cô Đẩu"?
- Tại sao khăn lau bếp chứa nhiều vi khuẩn?