Lễ thôi nôi có năm nhuận, chọn ngày sao cho đúng?
Mặc dù vấn đề này không còn mới nhưng có nhiều người cho đến nay vẫn loay hoay không biết chọn ngày để làm lễ thôi nôi trong năm nhuận sao cho đúng…
Mới đây trong một hội nhóm trên mạng xã hội bàn luận rôm rả vấn đề chọn ngày làm lễ thôi nôi cho con trong năm nhuận 2023, có rất nhiều tranh cãi nổ ra khi người này cho rằng “Thôi nôi là tính ngày âm, mình tính đủ 12 tháng là làm thôi nôi cho con, sinh nhật mới tính ngày dương”, còn người kia lại bảo: “Sinh nhật, thôi nôi phải làm ngày dương nhé! Chỉ có cúng giỗ mới tính ngày âm”…
Vậy, để chọn ngày làm lễ thôi nôi sao cho đúng, hãy cùng Tiếp Thị & Gia Đình đi tìm đáp án nhé!
Tại sao gọi là “thôi nôi”?
Từ “thôi nôi” hiểu theo nghĩa đơn giản là không nằm nôi nữa mà chuyển sang nằm giường vì bé đã “trưởng thành” hơn trong giai đoạn đầu đời. Nó còn được xem là cột mốc đặc biệt của bé khi bắt đầu tính tuổi theo năm (sinh nhật 1 tuổi). Mặc dù thời nay các bé sinh ra ít nằm nôi như ngày xưa, nhưng vì đây là một phong tục có từ lâu đời, được xem là truyền thống đẹp của người Việt nên tên gọi này chưa bao giờ là lỗi thời hay không còn giá trị.
Cũng vì thế mà hầu hết các gia đình có bé chào đời tròn 12 tháng đều phải thực hiện nghi lễ “thôi nôi”. Làm lễ này có nhiều ý nghĩa, trước tiên theo quan niệm dân gian là để cảm tạ sự chở che, chăm sóc và ban phước lành của ơn trên, bao gồm 12 Bà Mụ, Bà Chúa Thai Sanh, các Đức Ông và Trời Phật… Sau đó là để cầu bình an, may mắn và khoẻ mạnh cho bé. Đây cũng là dịp mà gia đình sẽ chính thức “ra mắt” bé với thân bằng quyến thuộc của mình.
Lễ thôi nôi được tính thế nào nếu gặp năm nhuận?
Năm 2023 là năm nhuận với 2 tháng 2, vậy nên những gia đình có bé sinh khoảng từ tháng 2/2022 đến tháng 2/2023 Âm lịch sẽ cảm thấy “đau đầu” vì không biết tính thế nào để làm thôi nôi cho đúng. Thật ra, không có một cách tính nào gọi là đúng tuyệt đối, mà còn phải dựa vào văn hoá của mỗi vùng miền khác nhau. Có nơi, người ta dùng ngày sinh dương lịch của bé để làm thôi nôi và tổ chức sinh nhật luôn. Tuy nhiên, có nơi sẽ tính theo ngày Âm lịch và tính đủ 12 tháng bắt đầu từ ngày bé sinh ra. Bên cạnh đó, bé trai và bé gái sẽ có cách tính khác nhau theo quan niệm dân gian: “Gái lùi 2, trai lùi 1”.
Cụ thể, bé trai sẽ làm lễ thôi nôi trước 1 ngày so với ngày sinh, nếu gặp năm nhuần thì sẽ làm trước 1 tháng và vẫn lùi 1 ngày (ví dụ bé trai sinh vào ngày 15/9/2022 ÂL, thì thôi nôi sẽ là 14/8/2023 ÂL).
Còn bé gái sẽ làm lễ thôi nôi trước 2 ngày so với ngày sinh và nếu gặp năm nhuần thì sẽ làm trước 1 tháng và lùi 2 ngày (ví dụ bé gái sinh ngày 10/6/2022 ÂL thì thôi nôi sẽ là 8/5/2023 ÂL).
Đối với trường hợp bé sinh đúng vào tháng nhuần, hoặc thôi nôi đúng vào tháng nhuần thì vẫn sẽ đếm đủ 12 tháng. Ví dụ, bé sinh vào 10/2/2022 ÂL thì ngày thôi nôi của bé sẽ tổ chức vào tháng 2 âm lịch đầu tiên của năm 2023, còn nếu bé sinh vào ngày 10/3/2022 ÂL thì thôi nôi sẽ tổ chức vào tháng 2 âm lịch sau của năm 2023. Tương tự, nếu bé sinh vào tháng 2 Âm lịch đầu tiên của năm 2023 thì thôi nôi sẽ rơi vào tháng 1 Âm lịch năm 2024, còn nếu bé sinh vào tháng 2 Âm lịch sau của năm 2023 thì thôi nôi sẽ rơi vào tháng 2 Âm lịch năm 2024.
Mâm cúng thôi nôi cần có gì?
- 1 đĩa trái cây với 5 loại quả khác nhau
- 1 bình hoa có màu sắc tươi sáng
- 1 con gà luộc, đầy đủ các bộ phận, đặt đầu ngẩng cao
- Trầu têm cánh phượng
- Bánh hỏi, heo quay
- 12 đĩa xôi nhỏ kèm 1 đĩa xôi lớn
- 12 chén chè (con gái chọn chè trôi nước, con trai chọn chè đậu trắng) kèm 1 tô chè lớn
- 12 chén cháo kèm 1 tô cháo lớn
- 12 chung nước hoặc rượu trắng
- 12 cây nến và hương để thắp
- Bộ giấy tiền cúng thôi nôi
- Chuẩn bị thêm chén, đũa, muỗng… Đặc biệt, cần có 1 đôi đũa hoa bởi theo quan niệm dân gian Bà Mụ thích dùng loại đũa này.
Ngoài ra, cần chuẩn bị 1 mâm đồ chơi liên quan đến các ngành nghề (bác sĩ, công an, giáo viên, ca sĩ…) để bé “bốc miếng”, đây là một cách để bố mẹ dự đoán tương lai con mình sẽ làm nghề gì.