Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 09/11/2022, 08:39 (GMT+7)

Bán nhà cho con du học, 3 năm sau bố mẹ vỡ mộng thấy con chạy xe ôm

Cho con du học là mục tiêu của nhiều gia đình hiện nay, đặc biệt là các gia đình sống ở thành phố lớn. Tuy nhiên, có nhất thiết cho con du học bằng mọi giá hay không?

cho con du học
Ảnh minh họa

Với những nhà có đủ tiềm lực tài chính đã đành, một số gia đình dù không mấy khá giả vẫn ra sức “chạy vạy” bằng mọi cách để con cái mình có thể đặt chân đến những “miền đất hứa” với hy vọng sau này thành tài. Họ chấp nhận tốn kém, chấp nhận phải xa con, đối mặt với nhiều lo lắng khác vì cho rằng du học là giải pháp tối ưu đảm bảo cho con một tương lai phát triển tốt nhất.

Tuy nhiên thực tế có nhiều câu chuyện về du học khiến các bậc phụ huynh “vỡ mộng” nhận ra rằng, đây không phải là “chìa khóa vạn năng” giúp con thay đổi vận mệnh tương lai như kỳ vọng.

Bán nhà cho con du học nuôi giấc mơ sau về nước sẽ giàu

Nuôi ước mơ cho con trai du học trời Âu để có tương lai tươi sáng, chị Ngọc Lan (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: “Vợ chồng tôi chỉ sinh được 1 cậu con trai nên luôn muốn đầu tư cho con phát triển. 2 vợ chồng làm công ăn lương, phấn đấu cả đời cũng chỉ đủ ăn. Cũng may nhà cửa được ông cha để lại chứ không sống ở thành phố đắt đỏ, dựa vào đồng lương viên chức không biết bao giờ mới mua được nhà”.

bán nhà cho con du học
Ảnh minh họa

Thấy đời mình vất vả vậy rồi, vợ chồng chị Lan nghĩ phải lo cho con ăn học thật đàng hoàng sau mới phát triển hơn bố mẹ. Khi con tốt nghiệp cấp 3, anh chị nghĩ tới việc cho con ra nước ngoài du học tự túc, hi vọng với nền giáo dục hiện đại con chị sẽ có tương lai rộng mở.

“Vì kinh tế không dư giả nên tôi bàn với chồng bán căn nhà đang ở để đầu tư cho con sang Pháp du học. Nhiều người khuyên can không nên làm thế nhưng tôi nghĩ đầu tư cho tương lai của con thì chẳng có gì là không đáng”.

Thực tế nghiệt ngã, cha mẹ vỡ mộng

Năm 2018, vợ chồng chị Lan bán nhà được 5 tỷ cho con sang Pháp du học. Bản thân anh chị chấp nhận đi thuê trọ với hi vọng, sau con tốt nghiệp về nước có sự nghiệp vững vàng, khi ấy sẽ dễ dàng mua lại một căn nhà khác.

cho con du học
Ảnh minh họa

“Tôi cũng xác định cho con du học là sẽ khó khăn tốn kém song tới khi con sang Pháp học rồi vẫn không tránh được sốc bởi chi phí quá đắt đỏ. Buồn hơn, con tôi thường xuyên gọi điện về kêu chán, muốn bỏ học về nước. Một phần do thằng bé không theo được chương trình giảng dạy của trường, một phần nữa do nhớ nhà. Thời gian ấy vợ chồng tôi lo tới mất ăn mất ngủ. Một mặt ra sức động viên con trai ở lại tu chí học hành, lấy được bằng mới về nước. Một mặt lo tiền gửi cho con vì số tiền bán nhà kia cũng đã cạn. Chúng tôi như đánh vật với thằng bé, làm công tác tư tưởng nặng nhẹ có cả, thậm chí chồng tôi phải dọa sẽ từ mặt nếu con trai bỏ học ngang chừng”, chị Lan tâm sự.

4 năm du học dài đằng đẵng, cuối cùng con chị cũng về nước. Những tưởng học ở trời Tây về nó sẽ xin được việc lương cao, tương lai rạng rỡ khiến bố mẹ mát mặt tự hào. Ai ngờ con trai chị tuy học 4 năm nước ngoài nhưng năng lực lại không có.

“Chuyên môn kém, thậm chí vốn tiếng Anh, tiếng Pháp của con tôi cũng kém hơn cả bạn bè học trong nước thành thử xin việc ở đâu cũng có vấn đề. Chỗ lương cao đòi hỏi phải có năng lực thì nó không đáp ứng được. Chỗ chịu nhận thì thằng bé lại chê thu nhập thấp. Nó bảo không ai du học về mà lại làm lương 7 - 8 triệu, người ta cười cho. Vậy là con trai tôi nghỉ việc ở nhà chơi, tiêu tiền bố mẹ. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng tôi xấu hổ với mọi người. Ai cũng biết chúng tôi bán nhà cho con đi du học thế mà cuối cùng thất nghiệp ăn bám bố mẹ già. Càng nghĩ tôi càng buồn”.

Cũng từng được bố mẹ kỳ vọng “ép” đi du học nước ngoài mong sau về làm rạng rỡ tổ tông, bạn Chí Bằng 23 tuổi Hoàng Mai, Hà Nội kể: “Tốt nghiệp cấp 3 mình thích học ngành thiết kế đồ họa nhưng bố mẹ một mực bắt sang Singapore du học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh. Thực sự mình không muốn xa nhà, cũng không có hứng thú với ngành đó song để chiều lòng bố mẹ đành nghe theo.

Sang Singapore học được 2 năm, vì không có đam mê nên mình bỏ học ngang chừng về nước. Bố giận quá từ mặt con trai. Mấy tháng đầu ông không cho mình về nhà. Không có bằng cấp, mình đành tạm chạy xe công nghệ kiếm thu nhập rồi sau tính tiếp”.

Du học không phải là thẻ “kim bài”

Du học sẽ được trải nghiệm, vốn sống, tiếp cận nền văn minh tiên tiến hiện đại nhưng không phải ai đi du học về nước cũng thành công trở thành ông này bà nọ hay dễ làm giàu, xin được công việc tốt, đãi ngộ cao, thu nhập ngất ngưởng như bao người vẫn nghĩ.

Ngược lại, nhiều người không được học trường chuyên, không được đi du học những cũng vẫn rất thành công. Các bạn có năng lực cộng nhiết huyết, quyết tâm vẫn hoàn toàn xin được việc ở những tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia cùng mức lương hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến. Điều ấy chứng tỏ thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố con người chứ không phải bằng cấp trong nước hay ngoài nước.

Hãy nhớ rằng cuộc sống của mỗi người thành công hay thất bại đều là do nỗ lực bản thân tự cố gắng vươn lên mỗi ngày. Du học không phải là “thẻ kim bài” đảm bảo chắc chắc cho bạn có được tương lai tươi sáng.

Giang Thu

Xem thêm: Tin tức xã hội tại Việt Nam mới nhất hôm nay

Cùng chuyên mục