Lãi suất vay tiêu dùng: Đắt 'cắt cổ' tới 85%/năm
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Nhưng lãi suất vay tiêu dùng hiện vẫn rất cao, phổ biến tại các công ty tài chính từ 40-50%/năm, cá biệt đến 85%/năm. Vậy cách nào để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng tăng trưởng khi người dân đang phải trả mức lãi "cắt cổ".
Lãi vay tiêu dùng vẫn quá cao
Lãi suất huy động đã giảm xuống đáy nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn còn neo ở mức rất cao. Khách hàng cá nhân hiện mới chỉ được hưởng lãi vay ưu đãi trong giai đoạn đầu từ 7,19-10%/năm, sau đó cộng thêm biên độ 3-4%/năm.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đang cho vay mua nhà 1 tỷ đồng trong 10 năm với lãi suất 15,2%/năm cố định trong 12 tháng đầu. Ngân hàng này cũng áp dụng cho vay để mua ô tô mới với lãi suất 15,8%/năm.
Tương tự, Ngân hàng Bản Việt hiện áp dụng cho vay tiêu dùng có thế chấp như vay xây sửa nhà với lãi suất 8,49%/năm trong 12 tháng đầu tiên; từ tháng 13 trở đi lãi suất là 14,8%/năm. Nếu vay mua xe thì lãi suất là 8,49%/năm trong 12 tháng đầu tiên; từ tháng 13 trở đi là 13,8%/năm.
Hiện nay, lãi suất cho vay cá nhân có tài sản bảo đảm của nhóm ngân hàng thương mại đều ở mức cao từ 10%/năm trở lên. Đó là chưa kể tới nhiều loại phí đi kèm. Còn nếu vay tiêu dùng tín chấp thì mức lãi vay còn cao hơn.
Nhân viên tín dụng tại một số ngân hàng cho biết, đối với khoản vay có tài sản đảm bảo, lãi suất dao động quanh mức 7-9,5%/năm, thời hạn vay tối đa 180 tháng. Trong trường hợp vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo), lãi suất khoảng 13-15%/năm, thời hạn vay tối đa 60 tháng.
Tại một hội thảo về gỡ khó cho vay tiêu dùng được tổ chức mới đây, TS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết Việt Nam hiện được đánh giá mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng từ 40-50%/năm, cá biệt, một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm.
Cũng theo TS. Thanh, tại Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm. Ở Ấn Độ, lãi vay tiêu dùng dao động trong khoảng 12-48%/năm, tại Brazil là 30-70%, ở Mỹ chỉ khoảng 8-36%/năm; Trung Quốc áp dụng từ 10-40%/năm.
Tại Việt Nam, cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây và là lĩnh vực béo bở, mang lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng, công ty tài chính.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho hay, cho vay tiêu dùng đang được thực hiện qua ba kênh chính thức là cho vay qua các ngân hàng thương mại, cho vay qua các công ty tài chính và cho vay qua một số tổ chức tín dụng khác. Ở mỗi phân khúc, sẽ có đối tượng và mục tiêu cho vay khác nhau.
Theo ông Lực, mức lãi suất và các khoản phí cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tối đa từ 20-25%/năm là phù hợp. Dù đây là mức cao gấp đôi ngân hàng nhưng trên thực tế, theo khảo sát cũng khó có công ty tài chính nào “chịu” áp mức này.
Lãi vay tiêu dùng khó giảm
Theo giới phân tích, vay tiêu dùng đang chịu áp lực nợ xấu cao nên lãi suất khó hạ bởi cần bù rủi ro, bất chấp mặt bằng lãi suất đã xuống rất thấp.
Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay tín dụng tiêu dùng giảm tới 40%, còn lượng nợ xấu của nhiều công ty tài chính ở mức báo động, tăng đến 20% so với cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến người dân phải tìm đến tín dụng đen là do hình thức vay đơn giản, không cần thế chấp, giải ngân nhanh, trong khi vay tiêu dùng tại các ngân hàng và công ty tài chính thủ tục phức tạp hơn.
Trong khi đó, nhiều người dân có nhu cầu cho biết họ vẫn muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng bởi lãi suất tín dụng của các công ty tài chính hiện vẫn rất cao, chức kể điều khoản vay dễ nhưng cách đòi nợ thì rất xã hội đen khiến họ khiếp sợ.
Theo giới chuyên gia, để đẩy lùi tín dụng đen, các cơ quan chức năng phải làm sao mở rộng kênh cho vay tiêu dùng chính thống. Và lãi suất cho vay tiêu dùng cũng phải hạ nhanh thay vì hiện tại vẫn ở mức cao.
TS. Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), đánh giá nếu lãi suất cho vay tiêu dùng như mua nhà, sửa chữa nhà, mua ô tô được giảm mạnh thì người dân cũng sẽ mạnh dạn vay tiền. Lãi suất cho vay cá nhân của các ngân hàng lên trên 10%, thậm chí lên 14-15%/năm thì sẽ không ai dám vay. Hiện biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay lên đến 6-7% là quá cao, ngân hàng thu lời quá đậm.
Còn TS. Lê Thị Hoàng Thanh kiến nghị Việt Nam cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay. Mức lãi suất 85%/năm là khó có thể chấp nhận được, gây rủi ro cho bên cho vay.
Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
“Pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế, nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ”, TS. Thanh phân tích.
Thực tế, cách tính lãi suất được quy định trong hợp đồng tài chính nhiều khi không rõ ràng, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện.
TS. Cấn Văn Lực cũng cảnh báo, người dân trước khi vay cần phải nghiên cứu kỹ hợp đồng. Bởi ẩn trong những hợp đồng cho vay dễ tính là những “bẫy” lãi suất và phí phạt tinh vi.