Lãi suất xuống thấp kỷ lục, nguy cơ khi gửi tiết kiệm bị lỗ
Hiện lãi suất tiết kiệm đã xuống thấp kỷ lục, thậm chí thấp hơn cả thời kỳ đại dịch Covid-19. Câu hỏi nhiều người đặt ra là liệu lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm và giảm nữa thì có tốt không?
Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục
Trong tháng 12 này, xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn tiếp diễn tại các ngân hàng quốc doanh và cả tư nhân.
Lãi suất tiết kiệm tại nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vừa được điều chỉnh giảm từ 0,2-0,4%/năm so với biểu niêm yết trước đó, đưa mức huy động 1 tháng xuống thấp nhất chỉ còn 2,2%/năm.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank ở mức 4,8%/năm, thấp nhất hệ thống. Các ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 đều đang áp dụng mức lãi suất 5%/năm cho kỳ hạn này.
Nhiều ngân hàng tư nhân cũng đang niêm yết lãi suất thấp ngang ngửa với nhóm ngân hàng quốc doanh. Thậm chí, một số nhà băng còn có lãi suất huy động thấp hơn cả nhóm Big 4.
Hàng loạt ngân hàng tư nhân đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất về quanh mốc 5%/năm. Chẳng hạn tại ACB, mức lãi suất huy động tối đa mà ngân hàng này áp dụng là 4,7%/năm, còn thấp hơn cả nhóm Big 4.
Tại VPBank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng chỉ có lãi suất cao nhất là 5,3%/năm. Hay mới nhất, Techcombank đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng còn 4,85%.
Như vậy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm đã hạ khoảng 3% so với cuối năm 2022, về mốc thấp hơn cả giai đoạn Covid-19. Mốc lãi suất huy động 4,8%/năm cũng thấp chưa từng có.
Nhu cầu vay vốn thấp khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa là nguyên nhân chính khiến lãi suất tiền gửi liên tục giảm sâu.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc các ngân hàng liên tục hạ lãi suất tiền gửi là trái ngược với xu hướng của các năm trước. Thông thường, vào thời điểm cuối năm, các nhà băng phải tăng cường huy động vốn để có tiền cho vay mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.
Các ngân hàng hiếm khi đua nhau giảm mạnh lãi suất tiền gửi mùa cuối năm bởi điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng không thể thu hút tiền gửi từ thị trường.
Câu hỏi của nhiều người đặt ra là liệu lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm nữa không?
Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 5-5,2%/năm vào cuối năm 2023 và duy trì ở vùng thấp này trong năm 2024.
Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng lãi suất sẽ đi ngang đến cuối năm. Sang đầu năm 2024, lãi suất có thể tăng nhẹ trở lại. Bởi tình trạng dư thừa tiền của các ngân hàng sẽ không thể kéo dài.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đánh giá: Lãi suất huy động hiện giảm kịch sàn nên khó có thể kỳ vọng các ngân hàng giảm thêm. Hơn nữa, lạm phát năm nay được dự đoán trong khoảng 3,3-3,5%, nên lãi suất huy động cũng phải neo ở mức tương xứng để đảm bảo mức lãi suất thực dương, thỏa mãn yêu cầu của người gửi tiền.
So sánh lãi suất huy động với lạm phát hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng lãi suất tiền gửi khó giảm sâu, sẽ đi ngang ở mức 5% cho kỳ hạn dài.
Lãi suất tiếp tục giảm sâu có tốt không?
Hiện mức lãi suất tiết kiệm dù giảm sâu vẫn cao hơn lạm phát nên người gửi tiền vẫn có lợi, tức lãi suất thực dương.
Lãi suất thực dương là mức lãi suất đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực ở một mức độ nào đó. Nói cách khác, lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát.
Việt Nam nhiều năm nay duy trì chính sách lãi suất thực dương và kiểm soát lạm phát và giữ giá trị đồng tiền, không thực hiện nới lỏng thái quá.
Chính sách lãi suất thực dương sẽ làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác, qua đó giúp tăng nguồn vốn huy động của các nhà băng để phân phối vốn đến các lĩnh vực có nhu cầu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách hài hoà và cân bằng hơn.
Đồng thời, chính sách lãi suất thực dương cũng khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn và do đó làm tăng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Với nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng không nên duy trì lãi suất thực âm, bởi sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn.
Lãi suất thực âm có thể làm giảm lượng vốn huy động của hệ thống ngân hàng, làm cho thanh khoản gặp khó khăn nên sẽ khó giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, lãi suất thực âm có thể khuyến khích người dân đầu tư quá mức vào các lĩnh vực khác như vàng, chứng khoán, bất động sản và có thể gây tình trạng đầu cơ, sốt nóng. Đặc biệt, lãi suất thực âm có thể làm gia tăng tình trạng lạm phát.
Ông Đinh Tuấn Minh - giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) nhận định, đồng tiền mất giá, tỷ giá tăng, đầu tư thái quá… là vấn đề có thể đối mặt khi lãi suất thực âm. Trừ một số nền kinh tế, còn lại đa phần ngân hàng trung ương đều duy trì lãi suất thực dương.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM - nhìn nhận, lãi suất thực âm với một nền kinh tế như Việt Nam sẽ "hại" nhiều hơn "lợi".
Bởi lãi suất thấp hơn cả lạm phát sẽ khiến nhiều người không gửi tiền. Khi thanh khoản khó khăn sẽ quay lại tác động lãi suất cho vay. Hơn nữa, khi đồng tiền mất giá sẽ ảnh hưởng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nêu quan điểm, hiện nay, các ngân hàng không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất huy động thêm và cũng không nên giảm nữa. Bởi lãi suất huy động giảm quá nhiều sẽ khiến chính sách tiền tệ bị vô hiệu hóa.
Hơn nữa, nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm, dòng tiền có nguy cơ chảy vào các kênh đầu cơ chứng khoán, đầu cơ bất động sản và bong bóng tài chính lại tiếp tục hình thành, gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế.
Lãi suất huy động cần giữ ở mức 5% để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương, tạo sức hấp dẫn của kênh tiền gửi ngân hàng.