Hoa hậu, diễn viên, ca sĩ không biết gì về sản phẩm nhưng vẫn quảng cáo
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói rằng, những người nổi tiếng như hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên không có chuyên môn, hiểu biết về sản phẩm nhưng vẫn tham gia quảng cáo đã gây nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng.
Đề nghị xử nghiêm, yêu cầu người nổi tiếng, KOL quảng cáo sai phải bồi thường
TP.HCM siết chặt quản lý quảng cáo mỹ phẩm, chấn chỉnh hoạt động sản xuất và kinh doanh
Đề xuất nghiêm cấm quảng cáo, kinh doanh hóa chất nguy hiểm trên mạng xã hội
Sáng 10/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Nội dung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nhận được nhiều quan tâm, góp ý kiến của các ĐBQH.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), quảng cáo là một ngành kinh tế, đồng thời cũng là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc đưa sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng hiệu quả không thể tách rời vai trò của hoạt động quảng cáo.
Do đó, khi sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, bên cạnh việc phải quy định chặt chẽ nhằm xử lý các hành vi vi phạm, chúng ta cũng cần tạo ra các “điểm mở” nhằm phát huy vai trò tích cực của quảng cáo như một ngành kinh tế thực thụ, đóng góp cho sự phát triển chung.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo luận, đại biểu nhấn mạnh sự đồng tình với nhiều đại biểu rằng, dự thảo lần này đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung quan trọng, từ phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm nhiều khoản, thậm chí có điều được viết mới hoàn toàn.

Do đó, chúng ta nên tận dụng cơ hội này để sửa đổi toàn diện Luật Quảng cáo, thay vì chỉ điều chỉnh cục bộ. Đây là thời điểm rất thuận lợi để hoàn thiện hệ thống pháp lý và đưa ra những chính sách phù hợp với thực tiễn.
Về khái niệm và giải thích từ ngữ, ông An đồng tình với việc đưa vào khái niệm "người truyền tải quảng cáo", bao gồm "người có ảnh hưởng".
Tuy nhiên, hiện nay, định nghĩa và quy định về người có ảnh hưởng còn chưa rõ ràng. Người có ảnh hưởng theo Nghị định 55 ngoài là người có trình độ, năng lực chuyên môn còn là người được xã hội chú ý, có lượng người quan tâm, theo dõi đáng kể trên phương tiện truyền thông hoặc có tài khoản có đủ điều kiện tham gia các chương trình quảng cáo, kinh doanh trên các nền tảng số.
Nhưng thực tế hiện nay lại phát sinh nhiều tình huống: Người nổi tiếng (hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên) tham gia quảng cáo sản phẩm mà không hề có chuyên môn hay hiểu biết về sản phẩm đó, chỉ dựa vào hình ảnh để gây chú ý. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây hệ lụy cho người tiêu dùng.
Từ thực tế này, ông An đề nghị siết hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng.
"Tôi cho rằng, cần quy định rõ chỉ những người có chuyên môn, năng lực liên quan trực tiếp đến sản phẩm, dịch vụ mới được phép thực hiện quảng cáo trong vai trò người truyền tải. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, thiếu kiểm soát như thời gian qua. Ngoài ra, nếu xác định người có ảnh hưởng là một chủ thể trong hoạt động quảng cáo, thì cần quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của họ", ông An cho hay.
Mặt khác, ĐBQH An chỉ ra hiện nay, dự thảo mới chỉ quy định hai quyền cơ bản, trong khi nghĩa vụ lại rất nhiều và có nội dung còn chung chung, ví dụ như "nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật".
"Điều này không những gây khó cho việc thực thi mà còn đẩy rủi ro pháp lý về phía người có ảnh hưởng", ông An nói và đề nghị siết chặt điều kiện, tiêu chí đối với người chuyển tải quảng cáo, đồng thời làm rõ các quyền và nghĩa vụ của họ theo hướng cụ thể, minh bạch hơn.