Hết thuế khoán, 5 cách kiểm tra mới khiến hộ kinh doanh không thể lách luật
Từ 1/6, hộ kinh doanh doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm bắt buộc phải dùng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Nhiều người lo ngại bị kiểm tra kỹ hơn, nhưng ít ai biết cơ quan thuế đang có tới 5 cách để xác định doanh thu thực tế, không chỉ dựa vào tài khoản ngân hàng.
Việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không chỉ giúp ngành thuế có công cụ theo dõi doanh thu sát thực hơn mà còn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, hạn chế tình trạng trốn thuế trong khu vực kinh tế cá thể. Đây được xem là bước đệm cần thiết nhằm chuẩn bị cho việc chấm dứt hình thức thuế khoán từ ngày 1/1/2026.
Tuy nhiên, bên cạnh những hộ kinh doanh nghiêm túc tuân thủ, vẫn xuất hiện nhiều phản ứng e dè, thậm chí là các biểu hiện đối phó. Một số hộ đã ngừng nhận chuyển khoản sau thời điểm 1/6 hoặc yêu cầu khách hàng chuyển tiền sai nội dung, thậm chí thu thêm phí để "bù thuế".
Dù vậy, cơ quan thuế khẳng định việc theo dõi doanh thu không chỉ dựa vào dòng tiền trên tài khoản ngân hàng, mà còn kết hợp nhiều phương pháp nghiệp vụ khác để đảm bảo xác định đúng quy mô thực tế. Trong đó, 5 biện pháp được sử dụng phổ biến nhất bao gồm:
1. Phân tích hóa đơn đầu vào
Từ các hóa đơn mua hàng, nguyên vật liệu, cơ quan thuế ước lượng chi phí và tỷ suất lợi nhuận theo từng ngành nghề để tính toán doanh thu hợp lý. Nếu chênh lệch lớn giữa đầu vào và doanh thu khai báo, hộ kinh doanh sẽ bị kiểm tra sâu hơn.
2. Thu thập dữ liệu từ sàn thương mại điện tử
Các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki… cung cấp số lượng đơn hàng, giá trị giao dịch, tần suất mua bán, qua đó hỗ trợ cơ quan thuế xác định doanh thu phát sinh thực tế, kể cả các trường hợp hoàn hàng hay hủy đơn.
3. Kiểm tra dòng tiền ngân hàng
Với những hộ sử dụng tài khoản để nhận thanh toán từ khách, cơ quan thuế có thể đối chiếu dòng tiền vào và ra với số liệu khai báo. Chênh lệch lớn giữa số tiền nhận và doanh thu đã kê khai là dấu hiệu rõ ràng cho thấy có gian lận.
4. Lấy dữ liệu từ đơn vị vận chuyển
Thông tin từ các đơn vị chuyển phát giúp xác định lượng đơn hàng đã giao. Kết hợp với giá trị trung bình mỗi đơn, cơ quan thuế có thể tính toán doanh thu tương đối chính xác, đặc biệt với các hộ bán hàng online.
5. Khảo sát thực tế hoạt động hộ kinh doanh
Cán bộ thuế có thể đến tận nơi quan sát tình hình buôn bán, lượng khách, quy mô kho hàng… Đây là phương pháp truyền thống nhưng vẫn rất hiệu quả trong nhiều trường hợp.
Theo ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục Thuế, chính sách không nhằm tăng thuế mà hướng đến nâng cao tính minh bạch và công bằng giữa các chủ thể kinh doanh. Những trường hợp cố tình “né” thuế sẽ bị xử lý nghiêm, từ truy thu đến xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố.
Trong tháng 6, ngành thuế sẽ triển khai các đoàn công tác đến trực tiếp từng hộ để hướng dẫn và hỗ trợ việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, giúp người kinh doanh chuyển đổi thuận lợi, đúng quy định.