Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt từ năm 2024
Sau 9 năm bình ổn giá vé, Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) Hà Nội dự kiến sẽ tăng giá vé xe buýt đối với các tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn kể từ ngày 1/1/2024.
Cụ thể với giá vé lượt, cự ly dưới 15km có mức điều chỉnh thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng đối với các chặng dưới 15km; từ 7.000 lên 10.000 đồng đối với chặng từ 15 - 25km; từ 8.000 lên 12.000 đồng đối với chặng 25 - 30km; từ 9.000 lên 15.000 đồng đối với chặng 30 - 40km. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Tương tự, giá vé tháng cũng được điều chỉnh với mức tăng trung bình là 40%. Theo đó, học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Sở GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách trợ giá nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp cũng như giúp nhóm người có thu nhập thấp tiếp tục tham gia phương tiện giao thông công cộng.
Đối với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi và nhân khẩu thuộc hộ nghèo sẽ tiếp tục được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện công cộng. Đồng thời, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ 30% vé tháng với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.
Bên cạnh đó, Sở cũng cho biết khi đề nghị được áp dụng sẽ tác động không lớn tới hành khách đi xe buýt, đặc biệt là khách vãng lai (sử dụng vé lượt) đi lại không thường xuyên sử dụng vé lượt.
Liên quan đến đề xuất tăng giá vé xe buýt, Sở GTVT lý giải, thành phố đã không điều chỉnh giá vé xe buýt từ năm 2014 đến nay nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập của người dân.
Hiện, mức thu nhập bình quân của người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội cơ bản tăng 75% so với năm 2024, khoảng 8,4 triệu đồng vào năm 2021. Trong khi đó chi phí đi lại chỉ chiếm khoảng 10% thu nhập, tương đương 800.000 đồng. Theo Sở GTVT, đây là mức chi được coi là tạm "chấp nhận được".
So với năm 2014, chi phí hoạt động vận tải công cộng cũng đã tăng gần 50%. Vì thế việc tăng giá vé xe buýt sẽ giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Qua đó, tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt. Từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như mở rộng vùng phục vụ để người dân có thể thoải mái lựa chọn phương tiện xe buýt.
Hiện trên địa bàn Hà Nội có tổng cộng 154 tuyến xe buýt, trong đó có 132 tuyến được trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kệ cận và 2 tuyến city tour. Ước tính sau khi áp dụng mức tăng như trên, doanh thu bán vé xe buýt mỗi năm tăng khoảng 300 tỷ đồng. Dự báo sau khi tăng giá, số khách giảm nhưng doanh thu vẫn đảm bảo.
Sở GTVT đề nghị UBND TP.Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì thẩm định phương án điều chỉnh giá vé xe buýt trong tháng 12 và bắt đầu áp dụng mức giá mới từ ngày 1/1/2024.