Hà Giang lý giải kế hoạch thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn
Đại diện du lịch Hà Giang cho biết thu phí tham quan Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (CVDV) là "điều cần làm" để đáp ứng tiêu chí của một địa danh được UNESCO công nhận.
Những ngày qua, thông tin Hà Giang lên phương án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) đang thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều từ người dân.
Vietnamnet dẫn lời ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý CVĐC cho hay, việc người dân, du khách tranh cãi, đưa ý kiến trái chiều về việc thu phí, tỉnh Hà Giang đã lường trước. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan đã và đang có sự tính toán kĩ càng.
"Nếu không thu phí, mọi người có chấp nhận chất lượng du lịch chỉ ở tầm miễn phí không?", ông Hoàng Xuân Đôn đặt câu hỏi khi trả lời phỏng vấn VnExpress.
Ông Đôn cho biết, nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển CVĐC được sử dụng từ ngân sách địa phương như hệ thống giao thông, nước sạch, điện, chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình kinh tế, an ninh chính trị và quốc phòng.
Tuy nhiên, theo ông Đôn, với xu thế phát triển của CVĐC trong giai đoạn tới, nếu chỉ chờ nguồn kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước sẽ "thiếu hụt trầm trọng, không thể đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển".
Trưởng ban Quản lý CVĐC nhấn mạnh, hiện nay có khoảng 40 điểm trong phạm vi CVĐC có thể thu phí nhưng tỉnh Hà Giang mới chỉ thu phí 3 điểm, gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương và cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn).
Tuy nhiên, theo quy định, cứ 4 năm, UNESCO tái đánh giá tình hình phát triển của CVĐC. Mỗi lần, tổ chức này sẽ đưa ra hàng loạt khuyến nghị để CVĐC thực hiện trong bốn năm tiếp theo. Để được tính là hoàn thành, 90% khuyến nghị phải được thực hiện nếu không sẽ nhận thẻ vàng (cho tiếp hai năm để thực hiện) hoặc thẻ đỏ (tước danh hiệu).
Thông thường, UNESCO khuyến nghị nhiều hoạt động từ bảo tồn, quy hoạch, giáo dục cộng đồng, phát triển cộng đồng, bảo vệ văn hóa thiểu số, đa dạng sinh học đến đầu tư và làm du lịch bền vững. Mỗi kế hoạch như vậy tiêu tốn trực tiếp của tỉnh tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chưa kể các chi phí gián tiếp như các dự án giao thông, điện, nước, viễn thông.
"Những kế hoạch tiêu tốn số tiền rất lớn nhưng đều đem lại lợi ích cho người dân địa phương. Khuyến nghị không chỉ dành riêng cho du lịch", ông Đôn trả lời trên Vietnamnet.
Chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn là bình thường, dễ hiểu nhằm bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch.
“Trên thế giới, nhiều nước áp dụng cách làm này. Đây là biện pháp tạo ra nguồn kinh phí góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo nguyên trạng cảnh quan thiên nhiên và phát huy giá trị của di tích, thắng cảnh”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích trên Tiền Phong.
Trước đó, Hà Giang từng tổ chức hội đàm bàn về việc thu phí công viên địa chất để huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát triển công viên địa chất. Ba phương án thu phí với mức 20, 30, 40 nghìn đồng/người/đêm đối với người lớn và 10, 15, 20 nghìn đồng/người/đêm đối với trẻ em.
Mức phân chia nguồn thu phí dự kiến: UBND các huyện, xã, thị trấn 20%, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tiếp thu phí 20%, nộp ngân sách nhà nước 60%. Nguồn phí này dành cho đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường.