Thứ bảy, 22/02/2025
logo
Xu hướng thị trường

Golden Gate, 'ông trùm' F&B Việt Nam, vừa thâu tóm The Coffee House là ai?

VIÊN VIÊN Thứ sáu, 21/02/2025, 09:31 (GMT+7)

Golden Gate, "ông trùm" F&B Việt Nam, vừa thâu tóm The Coffee House, đánh dấu bước mở rộng chiến lược.

Trước khi vướng sự cố khách hàng gặp tai nạn, The Coffee House từng ‘làm mưa làm gió’ bằng các chiến dịch quảng cáo nào?

Cục diện chuỗi cà phê ở Đông Nam Á khi ‘ông lớn’ Luckin Coffee nhập cuộc

Golden Gate, doanh nghiệp thâu tóm The Coffee House là ai?

Golden Gate, tập đoàn vận hành chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Kichi Kichi, Gogi House, Manwah, đã mua lại thương hiệu cà phêThe Coffee House từ Seedcom. Thương vụ này đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược mở rộng của Golden Gate vào lĩnh vực đồ uống, bổ sung vào hệ sinh thái ẩm thực đa dạng của tập đoàn.

Golden Gate được thành lập vào năm 2005, bắt đầu với thương hiệu lẩu nấm cao cấp Ashima. Đến năm 2009, công ty ra mắt Kichi-Kichi – chuỗi lẩu băng chuyền, đánh dấu bước chuyển đổi sang mô hình chuỗi nhà hàng.

Công ty được sáng lập bởi ba doanh nhân gồm ông Trần Việt Trung, ông Đào Thế Vinh và ông Nguyễn Xuân Tường. Theo Báo cáo quản trị năm 2024, cổ đông lớn nhất của Golden Gate hiện là Công ty Cổ phần Golden Gate Partners với tỷ lệ sở hữu 29,51%. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Tường nắm giữ 10,9% vốn, ông Đào Thế Vinh sở hữu 5,65% và ông Trần Việt Trung nắm 4,97% tính đến ngày 31/12/2024.

trum-lau-nuong-golden-gate-thau-tom-chuoi-cua-hang-the-coffee-house-3-7912-4254-0527
Golden Gate, doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Kichi Kichi, Gogi House, Manwah. 

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến ngày 16/12/2024, Golden Gate có vốn điều lệ hơn 77,9 tỷ đồng. Tuy danh sách cổ đông không được công bố, nhưng ông Đào Thế Vinh, sinh năm 1972, hiện là Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty.

Năm 2023, Golden Gate ghi nhận doanh thu thuần 6.289 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 79%, chỉ còn 139 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh khó khăn khiến doanh nghiệp này phải tái cấu trúc, bao gồm cắt giảm 2.713 nhân sự và đóng cửa nhiều chi nhánh hoạt động không hiệu quả. Một số nhà hàng Manwah và trà sữa Yu Tang tại Hà Nội và Hải Phòng đã ngừng hoạt động vào cuối năm ngoái.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Golden Gate dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 53%. Tuy nhiên, đến cuối năm, công ty quyết định hủy kế hoạch này để tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư và mở rộng kinh doanh trong và ngoài nước giai đoạn 2024-2025.

The Coffee House "bán mình"

The Coffee House được doanh nhân Nguyễn Hải Ninh sáng lập vào năm 2014 với số vốn điều lệ ban đầu 9,16 tỷ đồng. Sau ba năm, chuỗi cà phê này đã nhanh chóng mở rộng quy mô lên 60 cửa hàng tại TP.HCM, trở thành thương hiệu nổi bật trên thị trường F&B Việt Nam. Sự phát triển của The Coffee House gắn liền với Công ty Cổ phần Seedcom – doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ mới (New Retail) tại Việt Nam.

Seedcom được ông Đinh Anh Huân thành lập vào năm 2014 sau khi rút khỏi Thế Giới Di Động. Doanh nghiệp này không chỉ đầu tư vào lĩnh vực cà phê mà còn mở rộng sang bán lẻ, công nghệ và thời trang. Trong đó, Seedcom Fashion Group quản lý nhiều thương hiệu như Juno, Hnoss và mô hình cửa hàng thời trang WeStyle. Tính đến tháng 6/2022, vốn điều lệ của Seedcom đạt gần 753,5 tỷ đồng, với cổ đông chính là Công ty CP Seedcom Investment (91,669%) và quỹ Ficus Asia Investment (Singapore) nắm giữ 8,33%.

bien-dong-nhan-su-cap-cao-doanh-nghiep-quan-ly-the-coffee-house-1740018163-0528
The Coffee House từng là thương hiệu được nhiều bạn trẻ yêu thích. 

The Coffee House từng được Nikkei Asian Review đánh giá là startup cà phê phát triển nhanh nhất Việt Nam năm 2018. Đến năm 2021, chuỗi này đạt quy mô 180 cửa hàng, chỉ xếp sau Highlands Coffee và Trung Nguyên. Từ năm 2017 đến 2020, công ty liên tục tăng vốn điều lệ, từ 62,15 tỷ đồng lên 98,6 tỷ đồng, với Seedcom nắm giữ 51,8% cổ phần.

Giai đoạn đỉnh cao, The Coffee House đạt 152 cửa hàng vào đầu năm 2023, duy trì vị trí thứ hai sau Highlands Coffee. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, chuỗi này đối mặt với sự sụt giảm doanh thu, mất dần vị thế trên thị trường.

Tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, khiến The Coffee House buộc phải thu hẹp hoạt động. Giữa năm 2024, thương hiệu này âm thầm đóng toàn bộ cửa hàng tại Cần Thơ sau sáu năm hoạt động. Tương tự, The Coffee House cũng lên kế hoạch rút khỏi Đà Nẵng, đánh dấu sự co cụm rõ rệt trong chiến lược vận hành.

Đến ngày 19/2/2025, số lượng cửa hàng The Coffee House giảm còn 93 trên toàn quốc. Trong đó, TP.HCM có 51 cửa hàng, Hà Nội có 31, và 11 cửa hàng còn lại nằm rải rác tại Hải Phòng, Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hưng Yên, Đồng Nai và Tây Ninh. Quy mô này chỉ còn một nửa so với thời kỳ đỉnh cao với 180 cửa hàng.

Trong bối cảnh khó khăn, tháng 1/2025, The Coffee House bất ngờ công bố tăng vốn điều lệ gần 2,6 lần, từ 150 tỷ đồng lên hơn 400 tỷ đồng. Hiện tại, cổ đông nước ngoài Ficus Asia Investment nắm giữ gần 19% vốn The Coffee House. Đồng thời, quỹ này cũng sở hữu 99% cổ phần Seedcom Group – đơn vị điều hành The Coffee House.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục