Giải mã bí mật cạnh tranh ít người biết của Shopee
Trước đối thủ như Lazada hay TikTok Shop, Shopee có một lợi thế cạnh tranh đặc biệt mà sàn TMĐT này đã dày công xây dựng sau nhiều năm.
Nỗ lực phát triển năng lực logistics tự thân (in-house) của Shopee dường như đang mang lại trái ngọt cho sàn TMĐT này. Trong báo cáo hoạt động kinh doanh gần nhất, Shopee ghi nhận doanh thu theo quý cao kỷ lục. Một phần của kết quả này đến từ hiệu quả có được từ hoạt động tự triển khai xử lý hàng hoá và giao hàng của Shopee, theo Tech in Asia.
Dù vậy, vẫn còn quá sớm để nói về kết qủa của cuộc chiến. Giới đầu tư vẫn cần quan sát sát sao về cách Shopee bảo vệ các lợi thế từ năng lực logistics trước các đối thủ như Lazada hay TikTok Shop.
Shopee ghi nhận doanh thu 2,7 tỷ USD trong quý I/2024. Đây là doanh thu cao nhất Shopee từng ghi nhận và cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng 3,7 tỷ USD doanh thu của công ty mẹ Sea. Mặc dù quý I cũng là cao điểm mua sắm khi có nhiều lễ hội tại Châu Á, động lực tăng trưởng cũng đến từ việc Shopee liên tục mở rộng hoạt động logistics tự thân thông qua SPX Express.
SPX Express hiện đang thực hiện giao hơn một nửa số đơn hàng của Shopee tại Châu Á. Ở Brazil, một thị trường quan trọng khác của Shopee, tỷ lệ này là khoảng 70%.
“Chúng tôi đã bỏ nhiều công sức vào SPX Express, và đến nay, SPX Express là một trong những đơn vị vận hành logistics nhanh và toàn diện nhất trên thị trường”, Forrest Li, CEO Sea, chia sẻ trong buổi công bố kết quả hoạt động kinh doanh mới nhất.
Tự triển khai logistics giúp Shopee có thể giao hàng nhanh và hiệu quả hơn. Ông Li cho biết trong quý I, khoảng 70% đơn hàng SPX Express tại Châu Á được giao trong vòng 3 ngày sau khi đặt hàng.
Shopee hiện tại cũng trực tiếp quản lý quy trình trả hàng và hoàn tiền để cắt giảm thời gian xử lý và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Vị thế dẫn đầu
SPX Express hiện được xem là một lợi thế lớn của Shopee.
“Chúng tôi nhìn nhận năng lực logistics độc đáo của Shopee là một lợi thế cạnh tranh và khác biệt chưa được giới đầu tư nhìn nhận một cách đầy đủ”, các nhà phân tích của Barclays nhận định trong một báo cáo vào ngày 15/5.
Báo cáo nói thêm rằng năng lực logistics tự thân giúp Shopee có chi phí giao hàng thấp nhất so với các đối thủ, bên cạnh đó họ có trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Cùng quan điểm này, ông Li Jianggan, CEO công ty tư vấn Momentum Works, cho biết việc sở hữu dịch vụ logistics tự nhân cho phép Shopee “có khả năng bảo vệ về mặt cấu trúc, đồng thời tối ưu chi phí giao hàng và xử lý đơn hàng”.
SPX Express cũng giúp Shopee nổi bật hơn trên thị trường. “Thời gian giao hàng và trải nghiệm khách hàng tốt hơn giúp các công ty tạo ra sự khác biệt, trong khi một số công ty lại chọn cạnh tranh về giá”, Roshan Raj, đối tác tại Redseer Strategy Consultants, chia sẻ.
Shopee sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn khi SPX Express tăng quy mô. Trong quý I/2024, chi phí giao hàng của Shopee trên mỗi đơn hàng giảm 15% ở Châu Á và 23% ở Brazil so với cùng kỳ năm ngoái.
Bảo vệ lợi thế
Lợi thế về chi phí rất quan trọng đối với mục tiêu lợi nhuận của Shopee. Lúc này, Shopee đang đầu tư mạnh để bảo vệ thị phần khỏi các đối thủ.
Hồi quý I, chi phí bán hàng và marketing của Shopee tăng gấp đôi lên 675,9 triệu USD. Chi phí đè nặng khiến Shopee lỗ 21,7 triệu USD trên nguyên tắc EBITDA sau điều chỉnh.
Dĩ nhiên các đối thủ của Shopee không ngồi yên. Lúc này, Lazada cũng đang đầu tư mạnh và hoạt động logistics in-house.
Năm 2021, Lazada nói với The Business Times rằng sàn TMĐT này có 400 cơ sở logistics tại Đông Nam Á, bao gồm trung tâm phân loại, trung tâm xử lý hàng hoá và kho hàng. Ông Raj của Redseer kỳ vọng Lazada sẽ tiếp tục đầu tư vào năng lực này.
Ông Raj nói thêm rằng TikTok Shop hiện chưa đầu tư mạnh vào năng lực logistics ở Đông Nam Á song điều này hoàn toàn có thể thay đổi khi TikTok Shop đạt được quy mô lớn hơn trên thị trường.
Ở Mỹ, TikTok Shop đã có mạng lưới vận hành xử lý hàng hoá và kho hàng và đang quản lý kho hàng và hoạt động giao hàng, WSJ chia sẻ hồi tháng 11.
Điều này đồng nghĩa với việc Shopee sẽ vẫn cần nỗ lực để cải thiện năng lực logistics. Đã qua rồi thời các sàn TMĐT có thể đơn thuần cạnh tranh thông qua giao diện người dùng hào nhoáng và các deal giá hời. Cuộc chiến đến nay đã chuyển dịch dần sang các năng lực xảy ra phía sau các đơn hàng.
“Không có bí mật nào đối với logistics. Đây là mảng kinh doanh truyền thống mà mức độ hiệu quả và quản trị nhân lực quyết định mức độ cạnh tranh”, ông Li chia sẻ.