Thứ sáu, 06/12/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 7/12: Thế giới giảm ngày thứ 3 liên tiếp

Giá xăng dầu hôm nay 7/12 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang7

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7/12 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 5/12 của liên bộ Tài chính – Công thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 24 đồng/lít, lên mức 19.864 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 294 đồng/lít, xuống còn 20.563 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S giảm 395 đồng/lít, xuống còn 18.382 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 325 đồng/lít, xuống còn 18.817 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut 180CST 3.5S giữ nguyên ở mức 16.125 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 48 phiên điều chỉnh, trong đó có 23 phiên giảm, 19 phiên tăng và 7 phiên trái chiều.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 4h30 ngày 7/12, giá dầu WTI ở mốc 67,16 USD/thùng, giảm 1,67% (tương đương giảm 1,14 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 71,07 USD/thùng, giảm 1,41% (tương đương giảm 1,02 USD/thùng).

Theo Reuters, giá dầu lao dốc khi các nhà phân tích tiếp tục dự báo tình trạng dư cung vào năm 2025 bất chấp quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) về việc hoãn kế hoạch tăng nguồn cung sang tháng 4/2025 và kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2026.

Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank nhận xét, giá dầu thô giảm ngày thứ 3 liên tiếp và điều này làm nổi bật những gì có thể xảy ra nếu OPEC+ quyết định tăng sản lượng.

Trong khi đó, Bob Yawger, Giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York cho hay, nhu cầu dầu toàn cầu yếu và triển vọng OPEC+ tăng sản lượng ngay khi giá tăng đã gây áp lực lên hoạt động giao dịch.

OPEC+ cung ứng khoảng một nửa sản lượng dầu của thế giới. Tổ chức này đã lên kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ cắt giảm sản lượng từ tháng 10, nhưng do nhu cầu dầu trên thế giới giảm, nhất là từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc, và sản lượng tại các quốc gia ngoài OPEC+ tăng buộc OPEC+ phải hoãn kế hoạch này vài lần.

Cũng gây áp lực lên giá dầu là số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng 5 giàn lên 482 giàn, mức tăng cao nhất kể từ giữa tháng 10, trong khi số giàn khoan khí đốt tăng lên 102 giàn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11.

Cùng chuyên mục