Giá xăng dầu hôm nay 30/8: Trong nước giảm lần thứ 2 liên tiếp
Giá xăng dầu hôm nay 30/8 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.
Giá xăng dầu hôm nay trong nước
Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 30/8 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 29/8 của liên bộ Tài chính – Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 92 đồng/lít, xuống còn 20.332 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 208 đồng/lít, xuống còn 21.109 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S giảm 299 đồng/lít, xuống còn 18.477 đồng/lít; dầu hỏa giảm 84 đồng/lít, xuống còn 19.065 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S giảm 194 đồng/kg, xuống còn 15.562 đồng/kg. Đây là lần giảm thứ 2 liên tiếp của giá xăng dầu trong nước.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu madút.
Giá xăng dầu hôm nay thế giới
Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 5h ngày 30/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 76,02 USD/thùng, tăng 1,87% (tương đương tăng 1,39 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 79,96 USD/thùng, tăng 1,67% (tương đương tăng 1,31 USD/thùng).
Giá dầu hôm nay tăng 1 USD/thùng do tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Libya và kế hoạch giảm sản lượng ở Iraq làm dấy lên lo ngại về tình trạng nguồn cung toàn cầu sẽ eo hẹp hơn. Theo Reuters, Libya đã ngừng sản xuất hơn 1/2 sản lượng dầu (khoảng 700.000 thùng/ngày) và hoạt động xuất khẩu tại một số cảng do xung đột giữa các phe phái chính trị.
Theo nhà phân tích Giovanni Staunovo tại UBS, cho đến nay xuất khẩu của Libya vẫn được duy trì, tuy nhiên với việc đóng cửa cảng xuất khẩu, điều này sẽ khiến nguồn cung tại lưu vực Đại Tây Dương trở nên eo hẹp hơn.
Trước đó, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 23/8, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 846.000 thùng xuống còn 425,2 triệu thùng vào tuần trước, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters về mức giảm 2,3 triệu thùng. Tồn kho dầu giảm nhưng hoạt động lọc dầu lại tăng, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, Aline Carnizelo, đối tác quản lý tại Frontier Commodities cho hay, ngay cả sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, các nhà giao dịch vẫn phải thích nghi với việc Libya vẫn sẽ là một ẩn số đối với thị trường. Carnizelo nhận định, lượng dầu không được sản xuất tại Libya đang có nguy cơ chạm 1 triệu thùng/ngày nên khả năng phục hồi dần sản lượng trước tháng 10 là không thể. Nguồn cung đang thắt chặt và điều đó đẩy giá dầu tăng.
Ở diễn biến khác, Iraq cũng có kế hoạch giảm sản lượng dầu trong tháng 9 như một phần của kế hoạch bù đắp cho việc sản xuất vượt hạn ngạch đã thỏa thuận với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+). Theo Reuters, trong tháng 7, sản lượng của Iraq là 4,25 triệu thùng/ngày, sản lượng trong tháng 9 sẽ giảm xuống còn 3,85 triệu đến 3,9 triệu thùng/ngày trong khi hạn ngạch đã thỏa thuận là 4 triệu thùng/ngày.
Kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 cũng hỗ trợ giá dầu. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cho biết có thể đã đến lúc cắt giảm lãi suất khi lạm phát giảm sâu hơn và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn dự kiến.