Gia Lai - vùng đất của những con thác hùng vĩ
Đến với mảnh đất đầy nắng và gió như Gia Lai, du khách sẽ được trở về thiên nhiên hoang dã, tận hưởng không khí trong lành và mùi hương của những nhánh lan rừng, dải hoa dã quỳ vàng rực.
Mảnh đất của những con thác hùng vĩ
Thác Phú Cường
Thác Phú Cường nằm cách thành phố Pleiku chỉ 44km. Từ trung tâm thành phố đi về phía đông nam qua núi Hàm rồng, chạy dọc theo quốc lộ 14 bạn sẽ đến trung tâm hành chính huyện Chư Sê, từ đó rẽ trái theo quốc lộ 25 đi khoảng 5km là sẽ thấy biển báo chỉ dẫn đường vào thác.
Dọc tuyến đường huyết mạch quốc lộ 14 đến với Chư Sê là vô vàn những cánh rừng, đồn điền trồng cao su. Cao su ở đây có giá trị kinh tế rất cao, đến mùa rụng lá, rừng cao su Chư Sê đẹp như một bức tranh mùa thu của các nước ôn đới. Toàn cảnh ngọn thác Phú Cường với chiều cao 45m. Thác Phú Cường nằm trong khu vực mỏ đá cùng tên, chung quanh là núi rừng bao phủ với khí hậu mát lạnh cùng không khí rất trong lành.
Một điều khá thú vị là thác Phú Cường chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa hàng triệu năm tuổi, nay đã ngừng hoạt động. Dưới chân thác là vô vàn những khối đá đen, xám tàn tích của núi lửa, hình thù đa dạng xếp chồng lên nhau. Mùa mưa những phiến đá này rất trơn và mùa hạ sẽ bỏng rát nếu chủ quan đi chân không trên nó.
Nguồn nước của thác bắt nguồn từ một ngọn núi gần đó, chảy vào dòng suối La Peet phía thượng nguồn đổ xuống. Từ ngoài cổng Khu du lịch thác Phú Cường rẽ phải là đường vào thác, bên trái có một cầu treo, được bắc qua dòng suối nhỏ La Peet này. Những cột nước khổng lồ đổ xuống từ độ cao 45m tung bọt trắng xóa, ì ầm vang động cả góc rừng. Ít người biết theo dòng chảy, suối La Peet này còn chảy ra tới sông lớn Ayun, nơi có hồ thủy điện Ayun Hạ nổi tiếng.
Phú Cường có nhiều ưu điểm của một khu du lịch sinh thái hấp dẫn với nhiều hình thức khám phá. Những ai ưa mạo hiểm có thể men theo con đường mòn bên trái dưới chân thác, con đường này đi xuyên qua những đồi cỏ, xen lẫn những chiếc lá khổng lồ to bằng người, dẫn sâu vào lòng vách núi phía sau ngọn thác. Thảm thực vật như thời tiền sử trong lòng hang, vách núi phía sau thác. Vào được đến đây rất trơn trượt, bạn cần phải rất cẩn thận cùng việc phải chú ý chọn cho mình một đôi giày, dép phù hợp cho việc di chuyển, khám phá ở đây.
Dốc Vạn Long
Dốc Vạn Long có hình thù như những con rồng đang nằm sát nhau. Người dân hầu như đều biết đoạn dốc này, ví von những mảng màu trên đá như những họa tiết trên váy thổ cẩm của thiếu nữ dân tộc Jarai. Đoạn dốc có địa hình chủ yếu là đất cát, do xói mòn tự nhiên qua nhiều năm mà thành.
Thời điểm phù hợp nhất để đến tham quan dốc Vạn Long là vào tháng 10 đến tháng 6. Khi đi tham quan, du khách cần chuẩn bị tư trang che nắng đầy đủ do tại đây khá nắng và nhiệt độ cao. Đường đi bộ khá trơn trượt. Để có hình đẹp, Thúy Huyền lưu ý nên đi vào sáng sớm hoặc chiều muộn để nhiệt độ dễ chịu hơn và ánh nắng đẹp. Hiện tại, khu vực này chưa có biển chỉ dẫn song đường vào dễ tìm, có thể đi vào bằng cả ô tô hoặc xe máy. Du khách có thể đi bộ hoặc đi xe máy để xuống dốc.
Cách di chuyển đến Dốc Vạn Long
Địa điểm này cách TP Pleiku 54 km theo hướng quốc lộ 25 đi Phú Yên. Du khách có thể kết hợp ghé những địa điểm nổi tiếng gần đường chính như thác Phú Cường, đập thủy lợi Ayun Hạ, làng văn hóa Plei ơi, suối đá Ayun, đầm sen Phú Thiện...
Núi lửa Chư Đang Ya
Trên con đường vào danh thắng Biển Hồ (hay còn gọi là hồ T’Nưng), mất khoảng 20km nữa, bạn sẽ ngỡ ngàng trước cảnh đẹp ít được biết đến là ngọn núi lửa Chư Đang Ya hùng vĩ (thuộc xã Chư Đang Ya, huyện Chư Pah).
Ngọn núi Chư Đang Ya tựa như một chiếc bát úp, nhưng leo tới đỉnh miệng núi lại mở ra một thung lũng lòng chảo rộng lớn với những thửa ruộng trồng bí đỏ, dong riềng, bắp, khoai… Điều kỳ lạ là miệng núi không hề có nước, mà cũng chẳng ai đủ sức chở nước lên đây tưới được, vậy mà quanh năm cây cối lúc nào cũng xanh tốt. Vào mùa mưa, Chư Đang Ya được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng. Đến mùa khô, hàng vạn đóa dã quỳ bung nở trên sườn núi làm mê mẩn lòng người yêu cái đẹp của loài hoa đặc trưng Tây Nguyên này.
Biển Hồ, Gia Lai
Biển Hồ còn được người bản địa gọi là Ia Nueng hoặc hồ T’nưng là một hồ nước ngọt nằm cách thành phố Pleiku 7 km về phía Tây Bắc, có độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. Nguồn nước Biển Hồ được gìn giữ vệ sinh nghiêm ngặt, vì đây là hồ nước ngọt cung cấp nước cho thành phố Pleiku.
Biển Hồ gồm 2 hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300 ha, nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao, có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ tạo cho khách tham quan có thể nhìn được toàn cảnh Biển Hồ.
Con đường xuống Biển Hồ uốn lượn đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn thông xanh mát mắt. Nơi cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của Biển Hồ. Nơi đây trước kia là đài vọng để du khách ngắm Biển Hồ.
Mỗi mùa Biển Hồ lại có một điểm thú vị khác nhau. Mùa khô nước vơi, để lộ những dải đất bazan màu mỡ, nơi nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa mưa nước dâng cao, tạo sóng lớn vỗ bờ như sóng biển. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ.
Thời tiết chuyển mình sang xuân se lạnh, mặt nước hồ trong xanh, cây hoa đâm chồi nảy lộc, cảm giác yên bình. Thời điểm này, bình minh ở Biển Hồ, sương giăng kín mặt hồ mờ ảo và cái lạnh của Pleiku thời điểm rất thú vị, vì lạnh nhưng không buốt, đủ để du khách cảm nhận được cái lạnh vùng đất đỏ bazan.
Chiều xuống, hoàng hôn trên Biển Hồ cũng là điểm níu chân du khách bởi ánh mặt trời xuyên qua các tán thông tạo khung cảnh lãng mạn, khó quên của núi rừng Tây Nguyên.
Biển Hồ là hồ tự nhiên, hoang sơ và thơ mộng, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được đánh giá là hồ tự nhiên đẹp nhất ở Tây Nguyên. Theo các nghiên cứu khoa học, Biển Hồ chính là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm nay. Còn đối với người dân tộc thiểu số nơi đây, Biển Hồ gắn với nhiều truyền thuyết thú vị. Vé vào cổng bán từ mùng 1 Tết với giá 10.000 đồng/người lớn, miễn phí cho trẻ em. Vì mới tôn tạo lại nên thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan lên phương án trồng thêm cây xanh, hoa, cỏ trong khuôn viên Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ. Đồng thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buôn bán trong khuôn viên Biển Hồ để đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho toàn thành phố.
Đặc sản tại Gia Lai
Phở khô Gia Lai
Phở khô Gia Lai hay còn được biết đến với tên gọi khác là phở hai tô. Đây là món ngon trứ danh Gia Lai mà những ai đã thưởng thức qua đều nhung nhớ hương vị thơm ngon. Sợi phở Gia Lai nhỏ, mỏng, hơi dai làm hoàn toàn bằng hạt gạo không pha trộn.
Một suất phở khô đầy đủ bao gồm các nguyên liệu như: tương đen, hành phi, tóp mỡ, giá,... Bên cạnh một tô khô luôn kèm theo một tô khác đựng nước dùng được hầm từ xương cùng với món thịt đi kèm (như thịt bò, thịt gà).
Bún cua thối
Món ăn có tên gọi hơi lạ này là đặc sản ở Pleiku, Gia Lai. Món ăn có mùi vị hơi “nặng” di quá trình ủ nước của lên men chua. Nồi nước dùng càng đun sẽ càng dậy mùi và đậm đà hơn. Bún mắm cua thường được ăn kèm với da heo chiên giòn, ớt, mắm nêm, nhiều loại rau sống như giá, hoa chuối, rau kinh giới, tía tô,...
Bún mắm nêm
Đây có lẽ là món ăn không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam. Với người dân Gia Lai, bún mắm nêm là một nét văn hoá khá độc đáo trong “bản đồ” ẩm thực của vùng đất này. Nguyên liệu kết hợp nên món ăn này vô cùng đơn giản, dễ tìm, bình dị và mộc mạc.
Điểm nhấn của món ngon Gia Lai nằm ở hương vị mắm nêm thơm lừng và lạ miệng. Một tô bún mắm nêm đầy đủ bao gồm bún, nem, chả, rau sống, dưa, đậu phộng giã nhuyễn và một bát nước mắm nêm.
Bò nướng ống tre
Bò nướng ống tre là món ngon của tỉnh Pleiku, là sự kết hợp hoàn hảo của thịt bò và nhiều loại rau rừng khác nhau. Nguyên liệu tiên quyết của món ăn này là thịt bò, phải chọn loại bò tơ thịt mềm. Cách chế biến không quá khó, tuy nhiên sẽ mất thời gian từ khâu sơ chế, ướp đến nướng để đảm bảo thịt chín đều, thơm ngon.
Khi chín, mùi thơm lan toả sẽ khiến thực khách khó kiềm lòng. Thịt bò nướng trong ống tre vẫn giữ được độ mềm, ngọt và thơm. Du khách có thể thưởng thức bò nướng ống tre cùng với cơm lam, muối lá é thêm chén rượu nồng.