Chủ nhật, 18/02/2024, 11:52 (GMT+7)

Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá sau Tết Nguyên đán

Theo quy luật thị trường, giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường rục rịch tăng giá sau Tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau đó. 

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa lại chứng kiến sự tăng giá đồng loạt của nhiều mặt hàng thiết yếu.

Ghi nhận tại các chợ dân sinh tại khu vực Hà Nội cho thấy, giá bán bắp cải tăng gấp đôi so với trước Tết, lên mức giá 25.000 đồng/cây; súp lơ xanh tăng từ 15.000 đồng lên 20.000-22.000 đồng/cái; su hào từ 5.000-7.000 đồng/củ tăng lên 10.000 đồng/củ; cà chua tăng từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng/kg; cà rốt cũng tăng 8.000-10.000 đồng/củ…

Hà Nội tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh
Sau Tết, nhiều mặt hàng tăng giá theo quy luật thị trường. (Ảnh: M.H)

Đặc biệt, các loại rau dùng để nhúng lẩu như cải chân, cải cúc, cải ngọt, rau muống giá tăng mạnh, có giá 20.000-25.000 đồng/kg. Với mức giá này tùy từng loại rau đã tăng từ 5.000-7.000 đồng so với dịp trước Tết.

Trong bối cảnh các mặt hàng đều tăng giá sau Tết, trong ngày 15/2 (mùng 6 Tết), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, xăng E5 RON 92 và RON 95 đồng loạt tăng mạnh.

Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 711 đồng/lít, giá bán 22.831 là đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 657 đồng/lít, giá bán là 23.919 đồng/lít.

Giá các loại dầu cũng đồng loạt tăng, trong đó giá dầu diesel tăng 654 đồng/lít, lên 21.361 đồng/lít; dầu hỏa tăng 633 đồng/lít, lên 21.221 đồng/lít; dầu mazut tăng 308 đồng/kg, lên 15.906 đồng/kg.

Trước đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng đã đưa ra những dự báo về tình hình giá cả sau Tết. Theo quy luật hàng năm, quý 1 trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, giá cả thường có biến động tăng vào trước và sau Tết (trong tháng Giêng là tháng lễ hội nên thường giá các hàng hóa, dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi, đi lại sẽ tăng).

Tuy nhiên, theo quy luật giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày Tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau Tết. Tại một số tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị cửa hàng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu, nguồn cung hàng hóa không còn bị gián đoạn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bộ Tài chính đánh giá nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động.

Cùng chuyên mục