Du lịch sang chảnh hay tiết kiệm: Đâu mới là lựa chọn thông minh cho ví tiền của bạn?
Du lịch không chỉ là hành trình khám phá những vùng đất mới mà còn là “cuộc chiến” cân não giữa việc tận hưởng hết mình hay chi tiêu hợp lý. Sang chảnh với resort 5 sao, nhà hàng đắt đỏ hay tiết kiệm với homestay, món ăn vỉa hè? Mỗi lựa chọn đều có cái hay riêng, nhưng đâu mới thực sự là phương án thông minh để ví tiền không “kêu cứu” sau mỗi chuyến đi?
Mỗi lần lướt mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bức ảnh check-in ở các resort 5 sao, những bữa sáng nổi bên hồ bơi tràn view biển xanh hay những chuyến nghỉ dưỡng xa hoa không tiếc tay chi tiền.
Ở chiều ngược lại, cũng có những hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm săn vé máy bay 0 đồng, mẹo đặt homestay giá rẻ hay bí quyết chi tiêu chưa tới 1 triệu/ngày khi đi du lịch. Giữa 2 thái cực đó, bạn chọn cách nào cho những chuyến đi của mình?

Với những người trẻ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, hay TP.HCM, du lịch từ lâu không còn là chuyện "xa xỉ" mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu, một phần thưởng sau những ngày làm việc căng thẳng. Thế nhưng điều đáng nói là rất nhiều người vẫn chưa thực sự coi việc đi du lịch là một phần trong kế hoạch tài chính cá nhân của mình.
Có người sẵn sàng bấm nút đặt phòng đắt đỏ theo cảm hứng, rồi về nhà mới loay hoay cắt giảm sinh hoạt phí để bù lại. Cũng có người đặt nặng chuyện tiết kiệm, ép mình phải du lịch càng rẻ càng tốt, dù trải nghiệm thực sự không hề thoải mái.
Chẳng hạn như chị Hà (28 tuổi, nhân viên truyền thông tại Hà Nội), sau một chuyến đi Đà Lạt “chốt đơn” trong vòng 10 phút chỉ vì thấy giá vé máy bay rẻ, chị mới thấm thía việc du lịch không có kế hoạch dễ khiến tài chính rơi vào hỗn loạn.
“Vé rẻ thật đấy, nhưng đến nơi mới phát hiện chi phí homestay, ăn uống, di chuyển đều đội lên rất nhiều. Mình đã phải ăn mì gói mấy bữa liền và cắt luôn một buổi học tiếng Anh trong tháng đó để bù chi phí. Xong chuyến đi lại stress vì thiếu tiền", chị kể lại.
Ngược lại, anh Long (31 tuổi, lập trình viên sống tại TP.HCM) lại là kiểu người luôn ép mình đi du lịch "rẻ nhất có thể". Dù lương khá cao, mỗi chuyến đi của anh đều được tính toán tỉ mỉ đến từng nghìn đồng, từ phòng tập thể 10 người, ăn cơm bình dân, đến việc đi bộ thay vì gọi xe.
Anh nói: “Cứ nghĩ tiết kiệm là tốt, nhưng có lúc mình thấy bản thân quá cực. Du lịch mà chẳng thư giãn, cứ lo lắng chuyện chi tiêu mãi thì mất vui".
Vậy đâu mới là lựa chọn thông minh cho ví tiền của bạn: nghỉ dưỡng sang chảnh hay du lịch tiết kiệm?
Theo chị Hoa Cherry Nguyễn - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT, câu trả lời thực ra không nằm ở chi phí cụ thể mà nằm ở cách bạn hiểu về tình hình tài chính của mình.

Trước hết, không phải ai cũng giống ai. Có những người đặt du lịch là ưu tiên hàng đầu, sẵn sàng chi mạnh tay để đổi lấy trải nghiệm cao cấp, miễn sao không ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính dài hạn khác. Nhưng cũng có những người chỉ coi du lịch là phần thưởng nhỏ, cần cân đối kỹ càng với các kế hoạch lớn như mua nhà, nuôi con, đầu tư hay xây dựng quỹ hưu trí.
Điều quan trọng là bạn biết rõ mình đang ở đâu trong bức tranh tài chính tổng thể của chính mình và đâu mới là "tỷ lệ vàng" dành cho các khoản chi tiêu cho trải nghiệm.
Nếu bạn coi du lịch là khoản đầu tư cho sức khỏe tinh thần, giúp bạn tái tạo năng lượng và nuôi dưỡng cảm hứng làm việc, hãy mạnh dạn chi tiền nhưng trong giới hạn cho phép. Hãy tạo 1 quỹ du lịch riêng, mỗi tháng trích 1 khoản nhỏ vào đó, để khi cần có thể chi ngay mà không ảnh hưởng tới các kế hoạch khác.
Ngược lại, nếu tài chính hiện tại còn nhiều gánh nặng, hãy ưu tiên du lịch tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng trải nghiệm như: Đặt vé sớm, săn ưu đãi, lựa chọn điểm đến phù hợp túi tiền, hoặc đi tour ghép. Những điều này không làm chuyến đi của bạn kém vui, mà còn giúp bạn hiểu rõ giá trị của từng đồng tiền mình bỏ ra.
Du lịch nên là hành trình đúng nghĩa, nơi bạn tận hưởng từng khoảnh khắc và hiểu rằng mình đã chi tiêu hợp lý cho những điều thực sự đáng giá.
Vì thế, thay vì hỏi "sang chảnh hay tiết kiệm mới tốt?", bạn hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình:
“Mình đã chuẩn bị quỹ du lịch chưa?”
“Mình có đang tiêu xài phù hợp với thu nhập và mục tiêu tài chính dài hạn không?”
Bởi cuối cùng khi bạn có kế hoạch tài chính rõ ràng, mỗi chuyến đi mới có thể trở thành phần thưởng xứng đáng và nhiều trải nghiệm vui.