Thứ tư, 20/03/2024, 05:16 (GMT+7)

Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, linh hoạt mức đóng

Liên quan đến nội dung xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng tham gia, cũng như linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân tăng khoảng trên 6%/năm trong giai đoạn 2015 - 2023. Đến năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,5% lực lượng lao động lao động trong độ tuổi. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là một thách thức lớn. 

Đối chiếu với Luật Việc làm hiện hành, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm hiểm thất nghiệp (đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).

Đóng bảo hiểm thất nghiệp bao lâu thì được hưởng trợ cấp - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng tham gia, cũng như linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: M.H)

Đáng chú ý, luật này cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.

Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: (1) Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên; (2) Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; (3) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Bên cạnh việc mở rộng đối tượng tham gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp ở lần sửa đổi này. 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Luật Việc làm hiện nay quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Đây là quy định cho thấy sự thiếu linh hoạt trong điều chính mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi Quỹ kết dư lớn.

Dẫn chứng từ đại dịch Covid-19 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, đã hỗ trợ 346.664 đơn vị với trên 11,98 triệu lao động giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 9.211 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 12,96 triệu lao động với số tiền hơn 30.802 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 đã hỗ trợ đối với 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng.

Do đó ở lần sửa đổi này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào giữa năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024. 

Cùng chuyên mục