Đối tượng nào sẽ được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ sau bão số 3?
Ngân hàng Nhà nước vừa trình Dự thảo Thông tư về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Động thái này nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ sau những thiệt hại nghiêm trọng từ thiên tai.
Dự thảo Thông tư quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ áp dụng cho khách hàng của các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh và văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại nhiều tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Các địa phương này bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình, Hà Nội, Hải Phòng, cùng một số tỉnh lân cận, theo Cổng thông tin Chính phủ.
Dự thảo Thông tư quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Để được cơ cấu nợ, khách hàng phải đáp ứng một số quy định.
Theo quy định, khách hàng thuộc đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9/2024 từ các hoạt động cho vay hoặc cho thuê tài chính sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Các nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh từ ngày 7/9/2024 đến hết ngày 31/12/2025 sẽ được tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh. Khoản nợ còn trong hạn hoặc quá hạn tối đa 10 ngày từ ngày đến hạn thanh toán sẽ thuộc diện cơ cấu lại.
Đối với các khoản nợ quá hạn trên 10 ngày phát sinh từ ngày 7/9/2024 đến khi Thông tư có hiệu lực, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ này có thể được thực hiện từ khi Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025, mà không giới hạn số lần cơ cấu. Thời điểm trả nợ cuối cùng của các khoản nợ được cơ cấu không quá ngày 31/12/2026.
Khách hàng được hưởng chính sách cơ cấu nợ phải là những người được đánh giá gặp khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, hoặc do đối tác của họ bị ảnh hưởng, khiến việc thực hiện các cam kết không thể diễn ra như kế hoạch. Đồng thời, tổ chức tín dụng phải đánh giá rằng khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ sau khi cơ cấu lại thời hạn.
Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng cần thời gian để ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất kinh doanh, việc cơ cấu nợ có thể kéo dài trong vòng một năm từ khi Thông tư có hiệu lực, với điều kiện việc cơ cấu phải được xem xét trong 3 tháng đầu tiên.
Theo ý kiến của các tổ chức tín dụng, nhiều khách hàng bị thiệt hại nặng nề như mất toàn bộ lồng bè, cá, vật nuôi, hoặc cây trồng. Sau thiên tai, họ cần thời gian để giải cứu người mất tích, sửa chữa nhà cửa, cơ sở kinh doanh, và sắp xếp lại cuộc sống. Việc thu xếp nguồn vốn để khôi phục sản xuất và xây dựng kế hoạch kinh doanh, tài chính trở lại cũng gặp nhiều khó khăn.
Quá trình tổng hợp thiệt hại và thực hiện các chính sách hỗ trợ như khoanh nợ hoặc bồi thường thiệt hại do thiên tai cần thời gian dài để xử lý.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, việc khoanh nợ có thể kéo dài từ 6-8 tháng, thậm chí hơn 1 năm, do phải trải qua nhiều cấp phê duyệt tại địa phương và các cơ quan Trung ương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo Thông tư đã đưa ra các quy định cụ thể nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng có thể nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ, cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng theo đúng quy định của pháp luật.