Thứ tư, 04/12/2024, 13:42 (GMT+7)

Hé lộ xu hướng tiêu dùng Tết 2025, nắm bắt ngay để có lợi thế cạnh tranh, mang về doanh thu 'khủng' dịp Tết này

Tác động từ siêu bão Yagi và hậu quả kinh tế sau dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Tết 2025 vẫn là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu thị trường và tạo dấu ấn thương hiệu thông qua việc hiểu rõ xu hướng tiêu dùng.

Xu hướng tiêu dùng Tết 2025 sẽ như thế nào?

Tại hội thảo "Xu hướng mua sắm Tết 2025" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tại TP HCM, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, cho biết các mùa cao điểm mua sắm trong năm qua cho thấy thị trường bán lẻ ngày càng khó đoán. Xu hướng tiêu dùng chuyển đổi nhanh chóng, đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh thị phần.

Để đạt được kỳ vọng doanh số trong mùa Tết 2025, các doanh nghiệp phải bám sát thị trường và không ngừng đổi mới. Bên cạnh việc cải thiện chất lượng và giá cả sản phẩm, doanh nghiệp cần chú trọng các giải pháp khuyến mãi và giao nhận".

Còn theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh của Kantar Việt Nam, thời gian mua sắm Tết chủ yếu diễn ra vào tháng 1 và tháng 2 hàng năm. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn hàng và tung sản phẩm vào đúng thời điểm “vàng".

20230111_194059
Xu hướng tiêu dùng Tết 2025 dự báo sẽ đơn giản, tiện lợi và hướng đến sức khỏe. Ảnh: Cẩm Viên.

Xu hướng nổi bật của Tết 2025 là sự gia tăng nhu cầu về sự tiện lợi và đơn giản hóa. Người tiêu dùng ưu tiên những sản phẩm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, và chi phí. Đồng thời, nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cũng được quan tâm nhiều hơn. Các doanh nghiệp cần phát triển những sản phẩm vừa mang ý nghĩa truyền thống, vừa đáp ứng tiêu chí hiện đại, phù hợp với lối sống hướng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Các doanh nghiệp nhận định, việc hiểu rõ hành trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên cả kênh online và offline là yếu tố then chốt. Điều này cho phép thương hiệu tiếp cận khách hàng đúng thời điểm, từ giai đoạn mua sắm sớm cho đến những ngày cận Tết.

Mặc dù kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực trong năm 2024 với thu nhập bình quân khu vực thành thị đạt khoảng 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn đạt 6 triệu đồng/tháng, niềm tin tiêu dùng vẫn chưa ổn định hoàn toàn. Tác động từ siêu bão Yagi và hậu quả kinh tế sau dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định Tết 2025 vẫn là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu thị trường, phát triển sản phẩm và tạo dấu ấn thương hiệu thông qua việc hiểu rõ xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Doanh nghiệp và cơ sở sản xuất chuẩn bị hàng Tết thế nào?

Dự báo nhu cầu tiêu dùng cuối năm sẽ tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch từ sớm để tránh tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa cục bộ, đồng thời đảm bảo ổn định giá cả. Gần như các doanh nghiệp và cơ quan quản lý chủ động sản xuất và điều tiết nguồn hàng từ giữa năm 2024.

Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường vào mùa mua sắm cuối năm, Saigon Co.op đã chủ động dự trữ hơn 12.000 tấn hàng hóa thiết yếu từ giữa năm 2024, tăng 30-50% so với các tháng bình thường.

Nguồn hàng tập trung vào các sản phẩm thuộc chương trình bình ổn giá như gạo, thịt, dầu ăn, rau củ quả, và đặc sản Tết. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị còn thực hiện chương trình khuyến mãi Tết kéo dài 59 ngày, với 3.500 mặt hàng giảm giá mạnh nhằm giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí.

20230111_194049
Hàng hóa cuối năm sẽ được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm. Ảnh: Cẩm Viên.

Bà Phùng Mỹ Linh, Giám đốc kinh doanh miền Nam và miền Trung CPV Food cho biết, nhà máy tại Bình Phước đang giết mổ khoảng 100.000 con gà/ngày, trong khi công suất thiết kế của nhà máy 167.000 con/ngày. Công ty sẽ bình ổn giá các mặt hàng. Ngoài ra, sẽ giới thiệu thêm nhiều sản phẩm chế biến từ thịt để đa dạng món ăn ngày Tết cho khách hàng. Dư địa sản xuất của công ty còn rất lớn và sẽ có nguồn hàng phong phú phục vụ khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng dịp Tết.

IMG_6844
Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đang đẩy mạnh công xuất để cung ứng hàng hóa cuối năm. Ảnh: Cẩm Viên.

Hay hệ thống bán lẻ Satra (Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV) cũng đẩy mạnh chuẩn bị nguồn hàng hóa cho cả Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Satra, cho biết tất cả đơn vị thành viên và trung tâm phân phối trực thuộc đã sẵn sàng hàng hóa với lượng dự trữ đủ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Năm nay, Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.200 tấn thực phẩm tươi sống và 4.000 tấn thực phẩm chế biến. Công ty còn dự trữ thêm 10%-20% lượng hàng để ứng phó với các tình huống khan hiếm đột biến. Với hơn 120.000 điểm bán hàng trên toàn quốc, doanh nghiệp này cam kết cung cấp thực phẩm tươi ngon và an toàn đến tay người tiêu dùng.

MM Mega Market Việt Nam cũng ghi nhận sức mua tăng cao với nhiều chương trình ưu đãi cho các đơn hàng Tết sớm và số lượng lớn. Hệ thống này phối hợp với hơn 30 nhà cung cấp, cung ứng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô và các sản phẩm phi thực phẩm với mức giá cạnh tranh, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí mua sắm.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Go đã chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn hàng hóa và triển khai các chương trình kích cầu cuối năm. Đặc biệt, với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, rau củ. Siêu thị đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo thu mua số lượng lớn, giữ giá thành ổn định và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Ngành công thương TP HCM đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, với sự tham gia của khoảng 70 doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước… Chương trình tập trung ổn định giá cả, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân tại TP HCM.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP HCM, cho biết, để bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu trong năm 2024 cũng như dịp Tết Nguyên đán 2025, ngành công thương đang phối hợp chặt chẽ với 3 chợ đầu mối và hơn 220 chợ truyền thống. Hoạt động này bao gồm giám sát số lượng hàng hóa xuất - nhập, theo dõi diễn biến giá cả, và đảm bảo nguồn cung ổn định. Đồng thời, các chợ được yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định niêm yết giá và xác minh nguồn gốc hàng hóa.

Ngoài ra, Sở Công thương còn phối hợp với các cơ quan chức năng và hệ thống phân phối trên địa bàn để đàm phán các chương trình chiết khấu ưu đãi, giảm áp lực tăng giá, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu trong tháng cao điểm Tết.

“Để kích cầu tiêu dùng dịp Tết, ngành công thương kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung, và triển khai các hội chợ, phiên chợ Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm Tết", ông Vũ chia sẻ.

Cùng chuyên mục