Doanh nghiệp sản xuất bánh ngọt trong nước nỗ lực giành thị phần ở “sân nhà”
Thị trường ngành bánh ngọt tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh giữa sản phẩm, thương hiệu bánh trong nước với những sản phẩm, thương hiệu bánh quốc tế.
Những năm gần đây, thị trường ngành bánh ngọt tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt khi các doanh nghiệp nội địa không chỉ đối đầu lẫn nhau mà còn phải nỗ lực giành lại thị phần từ các thương hiệu nước ngoài. Ngoài ra, để duy trì tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp phải tìm cách hợp tác trở thành nhà cung cấp bánh cho các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, nhà hàng, quán cà phê...
Áp lực cạnh tranh này đã thúc đẩy cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế phải liên tục đổi mới, tìm ra hướng đi khác biệt nhằm bảo vệ lợi nhuận cũng như thị phần. Nhiều chiến lược đã được áp dụng, từ việc mở rộng chuỗi cửa hàng đến phát triển các mô hình kinh doanh kết hợp, điển hình như việc kết hợp bánh ngọt với trà và cà phê.
Không chỉ các cửa hàng bánh ngọt truyền thống bổ sung thêm dịch vụ bán trà và cà phê, mà các thương hiệu cà phê lớn như Highlands Coffee, Starbucks, The Coffee Bean, The Coffee House, Cộng, Aha và Phúc Long cũng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bánh ngọt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Theo báo cáo từ iPOS.vn, thị trường F&B tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt giá trị hơn 655 nghìn tỉ đồng vào năm 2024, tăng 10,92% so với năm 2023. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu của ngành này dự kiến không có nhiều biến động, với các cửa hàng F&B độc lập tiếp tục chiếm ưu thế lớn, đạt 93,9% thị phần.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong năm 2023, số lượng nhà hàng và quán cà phê tại Việt Nam đạt 317.299 cơ sở, tăng 1,26% so với năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành cung cấp nguyên liệu bánh ngọt tại Việt Nam hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh có thể trở nên khốc liệt hơn khi các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường ngày càng nhiều.
Tại buổi công bố định vị thương hiệu và hệ thống nhận diện mới của Nhất Hương Group vào ngày 10/12/2024, bà Vũ Thị Hoài Sơn – CEO Nhất Hương Group – cho biết ngành bánh ngọt Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng phát triển. Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là từ sự cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.
"Nhìn tổng quan về thị trường F&B, trong đó có ngành trà sữa hay cà phê có thể thấy thị trường của Việt Nam ngày một bị cạnh tranh khốc liệt bởi những "người hàng xóm" có trình độ quản lý và tài chính vững mạnh, công nghệ tiên tiến.
Tương tự, ngành bánh cũng đang gặp những khó khăn. Các doanh nghiệp trong ngành bánh kẹo trong nước khó có thể cạnh tranh thành công với các đối thủ nước ngoài khi những điểm yếu, hạn chế chưa được khắc phục triệt để như mạng lưới phân phối còn yếu, danh mục sản phẩm chưa đa dạng, mẫu mã chưa đổi mới... Đặc biệt, các trong nước đều không có được các thế mạnh nổi trội về tài chính và kinh nghiệm hoạt động như các doanh nghiệp nước ngoài" - bà Vũ Thị Hoài Sơn chia sẻ.
Theo bà Vũ Thị Hoài Sơn, để khai thác tốt tiềm năng tiêu thụ của thị trường trong nước, các nhà kinh doanh bánh ngọt phải có chiến lược và tầm nhìn đầu tư dài hạn trong việc khẳng định thương hiệu Việt. Ngoài ra, cần phải tập trung đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi mẫu mã, có chiến lược về giá hợp lý... nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau.