Thứ bảy, 07/12/2024, 05:33 (GMT+7)

Đua nhau 'cắt khí thải' xe tải theo quảng cáo, người tiêu dùng có đang 'tham bát bỏ mâm'?

Bất chấp những nguy cơ về ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, dịch vụ loại bỏ hệ thống xử lý khí thải (cắt khí thải) trên xe tải vẫn được quảng cáo rầm rộ trên internet.

Theo Quyết định số 49 ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, các loại xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (tương đương Euro 4) từ ngày 1/1/2017; tiêu chuẩn khí thải mức 5 (tương đương Euro 5) với nhiều tiêu chí khắt khe hơn và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. 

Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường chung. Thế nhưng hiện nay tại TP HCM, có không ít chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế không những thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ Quyết định 49 mà còn cố tình can thiệp vào bộ phận kiểm soát khí thải ô tô để tiết giảm chi phí, đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt. Điều đáng nói, những phương tiện này lại “qua mắt” dễ dàng các trạm đăng kiểm, vô tư, ngang nhiên xả khói ô nhiễm trực tiếp trong quá trình tham gia giao thông.

Từ màn ngã giá… 

Theo quy định của tiêu chuẩn khí thải Euro: Các khí độc hại phải giảm theo quy định của tiêu chuẩn Euro 4, 5 bao gồm Nitơ oxit (NOx), Hydrocarbons (HC), NMHC, Carbon monoxide (CO) và bụi mịn (PM) cho hầu hết các loại phương tiện.

Đối với mỗi loại xe, quy định này áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau. Với những giới hạn về khí thải mà Euro 4, 5 quy định, các nhà sản xuất xe đã phải tìm cách cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng của động cơ để tạo ra những phương tiện thân thiện hơn với môi trường. Trong đó, nổi bật là công nghệ xử lý khí thải “xúc tác chọn lọc” (Selective Catalytic Reduction-SCR) đang được nhiều hãng xe lựa chọn.

Screenshot (9)
Quảng cáo cắt hệ thống xử lý khí thải tràn lên trên internet.

Đây là một hệ thống kiểm soát khí thải chủ động. Hệ thống SCR sử dụng dung dịch xử lý khí thải động cơ Diesel (DEF) với thành phần chính là urê (giới tài xế còn gọi là nước urê). SCR có thể giảm lượng khí thải NOx tới 90%, đồng thời giảm lượng khí thải HC và CO từ 50-90% và lượng khí thải PM từ 30-50%. 

Thời gian qua, chỉ tính riêng tại TP HCM, tài xế, nhất là tài xế xe tải đua nhau vô hiệu hóa hệ thống SCR (giới tài xế quen gọi là cắt khí thải). Do nhu cầu về việc cắt khí thải tăng cao từng năm nên các dịch vụ cắt khí thải cũng mọc lên như “nấm sau mưa”.

Theo khảo sát, trên internet có hàng chục trang web đăng tải thông tin quảng cáo với nội dung cung cấp dịch vụ cắt khí thải các loại xe tải, đầu kéo của các hãng Howo, Chenlon, Shacman, Sany, Faw… sử dụng động cơ tiêu chuẩn Euro 4, 5.

Trong vai là người có nhu cầu cắt khí thải cho một chiếc xe nhãn hiệu Howo, chúng tôi lên hệ với một người đăng tải quảng cáo cắt khí thải để tư vấn dịch vụ. Người này cho biết, giá dịch vụ cho mỗi lần cắt khí thải dao động từ 3-5 triệu động tùy theo mẫu xe là xe tải hay xe đầu kéo, đồng thời cam kết không có lỗi động cơ xảy ra sau khi cắt.

z6103450222592_15fe5a661d0e9892da8555465ad4792b
Bình chứa dung dịch xử lý khí thải được lắp trên hông xe, thường có nắp màu xanh.

“Riêng xe Howo, từ 2019 đến nay bên anh xử lý nhiều lắm, vài trăm chiếc rồi nên em yên tâm. Cắt xong thì sẽ lợi dầu hơn và không bị báo lỗi hết nước urê (dung dịch xử lý khí thải - PV). Bình thường nếu xe hết nước urê thì xe sẽ tự động chuyển về trạng thái không tải, khiến động cơ yếu hơn, chỉ khi đổ nước urê vào mới bình thường lại…”, người này nói.

Khi được hỏi cách thức cắt khí thải, người này cho biết, có nhiều phương pháp như ngắt bỏ, rút giắc bộ cảm biến điều khiển từ bộ điều khiển ECU (hộp điều khiển điện tử), ngắt cảm biến NOx, giả lập bằng module… nhưng những cách này có nguy cơ gây ảnh hưởng hoặc hư hại đến kim phun. Phương pháp an toàn và “đảm bảo” nhất hiện nay là dùng phần mềm can thiệp vào hộp ECU. Phần mềm sẽ thay đổi cách điều khiển động cơ mà không còn phụ thuộc vào cảm biến đo nồng độ NOx. Sau khi cắt khí thải xong, có thể bỏ bầu SCR đi và thay một ống pô khác tùy vào nhu cầu của chủ xe, giúp cho xe chạy “bốc” hơn.

“Cách này đảm bảo cắt khí thải xe vẫn chạy bình thường, cam kết không gặp lỗi liên quan đến hệ thống khí thải và bảo hành 3 năm. Cắt xong nếu anh có nhu cầu khôi phục lại hệ thống khí thải, chúng tôi sẽ cài lại phầm mềm về y như ban đầu cho anh”, người này khẳng định.

Chúng tôi tiếp tục liên hệ với người đàn ông khác, cũng chuyên cung cấp dịch vụ cắt khí thải cho xe tải. Người này cho biết, giá của mỗi lần thực hiện khoảng 3 triệu đồng, bảo hành trong vòng 3 năm, nếu gặp lỗi sẽ được sửa chữa miễn phí. Tuy nhiên ông M cũng cho biết, còn tùy thuộc vào từng hãng sản xuất động cơ (Yuchai-Howo-Weichai-Cummis…) thì mức giá cắt khí thải sẽ khác nhau, phương pháp cắt khí thải cũng khác nhau. Nhưng chủ yếu, cách thức phổ biến nhất vẫn là can thiệp bằng phần mềm vào ECU.

“Bên anh không cam kết lợi dầu hơn mà lượng dầu tiêu thụ sẽ như xe mới, nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được khoản đổ nước urê, đỡ mất công phải canh châm nước urê, đỡ gặp lỗi hơn”, người này khẳng định.

… Đến quy trình cắt khí thải 

Chúng tôi đã nhập vai vào một phụ xe để chứng kiến quy trình cắt khí thải trên một chiếc xe Howo tại bãi xe ở thành phố Thủ Đức (TP HCM). 

Trên ca bin xe, thợ cắt khí thải thuần thục dùng cáp gắn từ máy tính kết nối với hộp ECU của xe tải. Sau đó dùng các thiết bị chuyên dụng để đọc chương trình từ ECU, chỉnh sửa chương trình này bằng cách loại bỏ tất cả các hệ thống liên quan đến hệ thống xử lý khí thải, sau đó thợ sẽ sử dụng phần mềm để viết lại chương trình đã chỉnh sửa vào lại ECU. 

Ảnh chụp màn hình (430)
Hệ thống xử lý khí thải đang được một "thợ" vô hiệu hóa.

Sau khi hoàn tất thủ tục này, hệ thống SCR sẽ bị ngắt kết nối và ngừng hoạt động hoàn toàn. SCR sẽ không được sử dụng nữa và xe cũng không cần phải dùng dung dịch khí thải để hoạt động. Các đèn cảnh báo liên quan đến dung dịch xử lý khí thải cũng biến mất.

Từ năm 2018 đến nay, các hãng xe khi sản xuất/nhập khẩu mới đều phải tuân thủ tiêu chuẩn Euro 4, 5. Với cách thức phổ biến là trang bị thêm hệ thống SCR, đây được xem là một bộ phận không thể thiếu trên các xe chạy dầu diesel nhằm đảm bảo tiêu chuẩn khí thải như Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, bất chấp những quy định đã có sẵn của Chính phủ liên quan đến đảm bảo các tiêu chuẩn về khí thải, nhiều tài xế hiện nay vẫn “ngó lơ” và thực hiện hành vi loại bỏ hệ thống SCR.

Chia sẻ về việc cắt khí thải, anh Trần Văn Tí (42 tuổi, tài xế xe tải tuyến Đắk Lắk – Sài Gòn) cho biết, bản thân đã thực hiện việc cắt khí thải khi mua xe từ năm 2019 theo lời khuyên của một số đồng nghiệp. Nguyên nhân là việc bỏ SCR có thể giúp anh tiết kiệm được một khoản nhỏ tiền đổ dung dịch xử lý khí thải (14.000 đồng/lít), đỡ tốn thời gian đổ dung dịch.

“Tôi thấy cắt khí thải xong thì xe vẫn chạy bình thường và không vấn đề gì cả.  Không những vậy, sau khi cắt khí thải tôi còn tiết kiệm được tầm 1 triệu đến 1,2 triệu đồng tiền dung dịch khí thải mỗi tháng. Tính ra một năm, tôi cũng để dành được một khoản tiền không nhỏ”, anh Tí nói.

z6103450214379_458d862931
Xe sử dụng hệ thống xử lý khí thải SCR chủ yếu là xe tải lớn.

Cũng theo anh Tí, dung dịch xử lý khí thải hiện nay bán chưa phổ biến, nhất là tại khu vực các tỉnh lẻ. Do đó, khi chở hàng qua những khu vực đó thì tài xế phải chuẩn bị trước một bình chừng 20 lít dung dịch xử lý khí thải để dự phòng trong trường hợp xe báo hết. Vì sự bất tiện đó, anh Tí đã chọn việc cắt đi hệ thống SCR.

Trong khi đó, ông Minh - một chủ doanh nghiệp vận tải cho biết, ngoài việc tiết giảm chi phí vận hành xe tải, việc cắt khí thải còn giúp tránh được các rủi ro khi gặp lỗi liên quan đến hệ thống điện - điện tử như: Hư hỏng cảm biến áp suất, nhiệt độ, cảm biến Nox, bơm dung dịch, kim phun dung dịch, cảm biến mức dung dịch.

Dù cánh tài xế và chủ xe có mách tai nhau để loại bỏ hệ thống xử lý khí thải, tuy nhiên hành động này đang trực tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Nhất là khi Việt Nam đặt mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) trước 2050 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Để làm rõ những tác hại đến môi trường, sức khỏe của người dân, cũng như việc cắt khí thải về lâu dài có ảnh hưởng đến hệ thống máy của xe hay không Tiếp thị và Gia đình sẽ có những phỏng vấn các chuyên gia về lĩnh vực này. Qua đó phân tích rõ cho người tiêu dùng về lợi bất cập hại về việc cắt khí thải xe.

Cùng chuyên mục