Đề xuất miễn thuế ba năm cho các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất miễn thuế ba năm cho các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp.
Giá tiêu hôm nay 25/3/2025: Trong nước duy trì ở mức cao
“Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, những biến động trên thị trường thế giới có thể gây bất lợi đáng kể. Do đó, việc nâng cao năng lực thích ứng và quản trị rủi ro là rất quan trọng”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói tại Hội thảo: “Bức tranh kinh tế Việt Nam 2025 và những chính sách kinh tế cần quan tâm” ngày 25/3.
Theo ông Tuấn, năm vừa qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam rất tích cực, nhưng chỉ một thay đổi quan trọng trên thị trường quốc tế cũng có thể tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc đối phó với rủi ro và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cải cách mạnh mẽ, từ chính sách kinh tế, khoa học công nghệ đến quản trị doanh nghiệp. Những nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57, 193 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Những chính sách lớn này có thể tạo ra những thay đổi bước ngoặt, tạo ra áp lực những cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt khi kinh tế tư nhân được đặt vào vị trí trung tâm thậm chí có thể là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Theo ông Tuấn có bốn thay đổi quan trọng nhất của Nghị quyết 57 đó là: Chuyển từ đầu tư công sang cơ chế thị trường, khuyến khích doanh nghiệp dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Thứ hai, tăng cường đầu tư tư nhân vào R&D, thu hút vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm và hợp tác công – tư. Thứ ba, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, giúp Việt Nam tự chủ trong các lĩnh vực quan trọng. Thứ tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, tài chính và thị trường.

Trong đó, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá: “Việc chuyển từ mô hình quản lý khoa học công nghệ mang nặng tính hành chính sang định hướng thị trường là một thay đổi mang tính đột phá, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Sau Nghị quyết 57, Nghị quyết 193 (thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia) của Quốc hội tạo ra bước tiến quan trọng khi chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Trước đây, các dự án nghiên cứu thường bị ràng buộc bởi nguyên tắc bảo toàn vốn, nhưng nay có cơ chế chấp nhận thua lỗ ở giai đoạn đầu, giống như cách các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động. Một thay đổi quan trọng khác là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Một điểm nhấn đáng chú ý là thí điểm vệ tinh tầm thấp, mở ra cơ hội cho vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo được tiếp cận internet từ các hệ thống như Starlink. Đây là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại các khu vực này, nhất là với những doanh nghiệp đang đầu tư hay có ý định đầu tư vào khu vực này.
Đối với kinh tế tư nhân, ông Tuấn cho biết, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết và sức cạnh tranh yếu. Nghị quyết mới (sắp ra đời) được kỳ vọng sẽ khắc phục những điểm yếu này bằng loạt giải pháp mạnh mẽ.
Đặc biệt, có thể có những chiến lược riêng cho doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, cũng như có chính sách để thúc đẩy 5 triệu hộ kinh doanh tiến lên thành lập doanh nghiệp.
“Chúng ta có thể mạnh dạn miễn thuế ba năm cho các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp”, ông Tuấn đề xuất.
Tuy nhiên, chưa cần một nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân ra đời thì, theo ông Đậu Anh Tuấn hiện đã có những xu hướng mới cho thấy sự tin tưởng và nhìn nhận lại vai trò của doanh nghiệp tư nhân đó là một loạt doanh nghiệp tư nhân được tham gia các dự án trọng điểm như làm đường sắt cao tốc, cơ sở hạ tầng lớn.
Lễ Công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) năm 2025 sẽ diễn ra trong ngày 25/3 gồm chương trình Hội thảo vào buổi sáng và Lễ công bố chính thức vào buổi chiều.
562 doanh nghiệp đạt chứng nhận năm nay là kết quả của cuộc khảo sát năm nay được thực hiện từ tháng 9/2024. Trong đó khu vực miền Bắc có 97 doanh nghiệp đạt HVNCLC năm nay (tính từ Ninh Bình trở ra), Hà Nội có 66 doanh nghiệp đạt. TP.HCM là nơi có số lượng doanh nghiệp đạt HVNCLC nhiều nhất cả nước với 257 doanh nghiệp.
Cũng theo kết quả khảo sát của Hội DN HVNCLC 562 doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC 2025 đã đóng góp ngân sách gần 168 ngàn tỷ đồng, tương ứng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024. Các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho 246.773 lao động toàn thời gian và 10.135 lao động bán thời gian.