Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 21/08/2023, 15:47 (GMT+7)

Đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần, EVN nói gì?

Bộ Công thương đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép tăng, giảm giá điện bình quân dưới 5% mỗi quý nếu chi phí đầu vào tăng 3% trở lên.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý I/2022, làm chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp. Trước đó, từ 4/5, giá điện bình quân đã tăng 3%, lên 1.920,37 đồng một kWh. Với việc tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức 3% này, dự kiến doanh thu của EVN trong năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỉ đồng. 

nh chụp màn hình 2023-08-21 143144
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay

Trong khi đó theo báo cáo của EVN vào tháng 6, trong 5 tháng đầu năm, công ty mẹ EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện là 36.305 tỉ đồng. Tập đoàn này tính toán, nếu tình hình thủy văn và giá nhiên liệu vẫn tiếp tục diễn biến như hiện nay, giá điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời thì dự kiến cả năm 2023 EVN sẽ lỗ khoảng 51.468 tỉ đồng; tổng lũy kế số lỗ của EVN cả năm 2022 - 2023 là gần 78.000 tỉ đồng.

Dự kiến từ tháng 7/2023, EVN sẽ bị thiếu hụt dòng tiền có thể lên tới trên 9.000 tỉ đồng và đến cuối năm 2023 sẽ thiếu hụt dòng tiền khoảng 22.000 tỉ đồng. EVN cho biết, việc không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho đơn vị phát điện sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện.

Do đó, EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện các năm 2022 và 2023 để bảo đảm có dòng tiền thanh toán việc mua điện từ các nhà máy điện, hỗ trợ cải thiện tình hình tài chính. Trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và dự thảo quy định rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống còn 3 tháng/lần, phù hợp với quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo, EVN có thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ở mức dưới 5% (cụ thể từ 3% đến dưới 5%) nhằm bảo đảm mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

gia-dien-ban-le-166399373
Ảnh minh họa

Cụ thể, nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Nếu giá bình quân tăng từ 3-5%, EVN cũng được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ, ngành liên quan. Như vậy, mức tăng thuộc quyền hạn của EVN hiện là 3%.

Dự thảo giữ nguyên quy định tăng từ 5 - 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương; tăng trên 10% phải báo cáo Thủ tướng xem xét. Đáng chú ý, Bộ Công thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn so với chu kỳ 6 tháng theo quy định hiện hành.

Theo đề xuất này, nếu có biến động tăng chi phí sản xuất điện... EVN sẽ có quyền điều chỉnh tăng giá điện bình quân từ 3-5% sau ba tháng. Mới đây, EVN đã có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân.

EVN đồng ý với thẩm quyền và phương án điều chỉnh ba tháng một lần nhưng đề xuất sửa chi phí cấu thành tính giá bình quân. Theo phương pháp Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, giá bán lẻ điện bình quân năm được lập trên cơ sở chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, điều hành và lợi nhuận định mức của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện. Còn EVN đề nghị chi phí khâu "truyền tải điện" được sửa thành "chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện" và bổ sung chi phí điều độ hệ thống, điều hành giao dịch thị trường điện. 

Cùng chuyên mục